Bí thư Nguyễn Văn Nên gặp các chuyên gia dịch tễ bàn cách chống dịch

Trưa 10-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có buổi trao đổi, lắng nghe góp ý của một số chuyên gia dịch tễ về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn và gợi mở giải pháp để TP sớm kiểm soát dịch bệnh.

Phát biểu mở đầu buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Nên cho biết lần đầu tiên khi phát hiện chủng mới vào cuối tháng 5-2021, TP đánh giá đây là mối nguy cơ nên nhanh chóng thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng trên toàn thành phố và áp dụng Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12).

Tuy nhiên, dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng mà không kiểm soát được, ngành y tế tiếp tục tầm soát, truy vết nhưng càng chạy theo thì khoảng cách càng xa. Vì vậy, TP áp dụng biện pháp cao hơn là Chỉ thị 10 của UBND TP ban hành tối 19-6.

Theo ông Nên, TP đã chuẩn bị phương án giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, dù không mong muốn nhưng cuối cùng cũng phải thực hiện từ 0 giờ ngày 9-7.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao đổi với các chuyên gia dịch tễ. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông nhìn nhận lần này TP.HCM có kinh nghiệm hơn, lực lượng tăng cường hơn, phương tiện và thiết bị được bổ sung để thực hiện kế hoạch quy mô lớn nên niềm tin lần này cao hơn. Nhưng TP cũng không ngớt nỗi lo bởi biến chủng Delta vẫn còn là ẩn số mà đến nay vẫn chưa thể hiểu hết.

Thời gian qua có lúc khó khăn, bị động khi phải đối phó với quy mô dịch bệnh chưa từng có, các phương án và kịch bản chi tiết luôn thay đổi, bổ sung để bám sát tình hình. “Không còn đường nào khác là phải tập trung hết sức lực. Chính phủ và bộ ngành có nhiều hỗ trợ nhưng trách nhiệm chính là của mình” – ông Nên nói.

Tại buổi gặp gỡ, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong phòng chống dịch bệnh từ các chuyên gia dịch tễ. “Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước. Chúng tôi không tự đưa ra các giải pháp, mà phải lắng nghe và tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Và tôi cảm thấy cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia để bàn” - ông Nên nói.

Tại buổi gặp gỡ, các chuyên gia dịch tễ đều cho rằng TP.HCM quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao là giải pháp đúng đắn. Họ kiến nghị cần tận dụng thời gian giãn cách để kiểm soát dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho rằng phải bảo đảm Chỉ thị 16 được thực hiện nghiêm, không chỉ ngăn chặn việc người dân ra đường, mà phải cắt đứt nguồn lây nhiễm từ nhà - cơ quan - hàng xóm.

Theo bác sĩ Khanh, hai tuần thực hiện Chỉ thị 16 chính là thời gian thuận lợi để truy tìm hết F0 thật nhanh, cần kết hợp test nhanh và PCR, nhất là ở vùng nguy cơ cao.

Cần cử xuống đồng thời 2 đội: đội test nhanh và đội test PCR. Test nhanh xong ai dương tính, lập tức phân loại họ rồi mới lấy mẫu PCR để khẳng định lại, ai dương tính thì làm PCR đơn, ai âm tính làm PCR gộp lại để chắc chắn. Trong vòng 1 giờ đồng hồ phải biết được ai dương tính.

Đợt đầu tiên tìm F0 trong cộng đồng, đợt thứ 2 tìm F0 đang ủ bệnh và đợt thứ ba là vét những ca còn lại.

Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng các biện pháp giãn cách, cách ly để làm chậm tốc độ lây lan vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông, hai ngày thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua đã bắt đầu cho những tín hiệu tích cực. “Không thể ‘sống chung với lũ’ cho đến khi đạt được 70% miễn dịch cộng đồng” – bác sĩ Báu nói và cho rằng phải thông tin đến người dân rằng đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, số ca tăng nhanh là sẽ có tử vong.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia dịch tễ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng đó là những ý kiến xác đáng, sẽ được tiếp thu và điều chỉnh theo hướng áp dụng nhuần nhuyễn, hoàn thiện hơn và phù hợp tình hình thực tế.

Các ý kiến của chuyên gia sẽ giúp ông có thêm được nhiều dữ liệu tốt và sẽ mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo. “Phải đáp ứng sự kỳ vọng của dân, phải đưa ra giải pháp có lợi cho dân là điều tôi luôn suy nghĩ" - ông Nên nói và mong muốn các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, sẵn sàng góp ý, hiến kế cho công tác phòng chống dịch của TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm