Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Bình thường mới' là mong mỏi của chính quyền và nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong buổi làm việc với quận 7 sáng ngày 5-9 về công tác phòng, chống dịch, nhìn nhận việc quận 7 tự đánh giá kiểm soát được dịch bệnh là “có cơ sở, có tính thuyết phục cao”.  

Đánh giá về công tác chống dịch

Tại buổi làm việc, ông Nên đã điểm lại một số đặc điểm, diễn biến dịch bệnh tại quận 7 và đánh giá nguyên nhân thành công của quận trong việc kiểm soát dịch bệnh.

So với Củ Chi - nơi cũng đã tuyên bố kiểm soát được dịch, quận 7 có mật độ dân cư có vùng rất cao, thành phần dân cư đa dạng và có nhiều đặc điểm văn hóa riêng. Diễn biến dịch bệnh ở quận 7 cũng hơi giống toàn TP. Dịch đến âm thầm, lây nhiễm và bùng phát nhanh, mạnh. Quận 7 có lúc đã lúng túng nhưng sau đó bình tĩnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, “chứng minh rất rõ tinh thần chủ động, sáng tạo của quận 7”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với báo chí tại buổi làm việc với quận 7, sáng ngày 5-9.  Ảnh: ĐỖ THIỆN 

Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ ra các nguyên nhân chính giúp quận 7 đạt được thành quả chống dịch như ngày hôm nay. Đầu tiên, các cấp lãnh đạo đã quán triệt, triển khai kịp thời, nghiêm túc, bài bản, đúng tinh thần chỉ đạo và sát tình hình trên địa bàn. Người dân quận 7 đồng tình, ủng hộ, chia sẻ với những khó khăn của chính quyền với ý thức chấp hành rất cao. Quận 7 cũng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, toàn dân.

Về công tác điều hành, quận 7 đã bám sát và thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch mang tính bắt buộc của ngành y tế về xét nghiệm, quản lý F0, tiêm vaccine… Các nỗ lực phòng dịch được điều phối đồng bộ, thống nhất, nhịp nhàng, thể hiện vai trò và tinh thần đoàn kết của từng cá nhân, tổ chức, của toàn hệ thống các cấp, các ngành. Quận 7 cũng kiểm tra, giám sát kịp thời và duy trì tốt các nhiệm vụ khác gắn với phong trào thi đua yêu nước trong quá trình phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định việc quận 7 tự đánh giá kiểm soát được dịch bệnh là “có cơ sở, có tính thuyết phục cao” và ghi nhận đây là kết quả rất đáng trân trọng. Kết quả sẽ được đoàn thành tra của TP.HCM đánh giá theo từng chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể. Quận 7 đã “góp phần quan trọng để TP tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm, bổ sung cho chiến lược ứng phó dịch bệnh trong giai đoạn tới”.

Nhiệm vụ của quận 7 trong thời gian tới

Bí thư Nguyễn Văn Nên giao cho quận 7 nhiệm vụ “hoàn thiện mô hình, kịch bản, giải pháp sắp tới, nới lỏng giãn cách xã hội một cách từng bước, chắc chắn, không phiêu lưu”, làm cơ sở để TP.HCM nghiên cứu thí điểm, nhân rộng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý không được chủ quan, tự thỏa mãn với thành quả hiện tại.

Về công tác kiểm soát dịch bệnh, có bốn trụ cột chính cần được đảm bảo, đó là giãn cách, xét nghiệm, quản lý F0 (từ thu dung, điều trị đến theo dõi F0 cách ly tại nhà) để hạn chế tới mức tối thiểu số ca tử vong và tiêm vaccine. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị quận 7 bao phủ tối đa vaccine mũi 1 tới toàn bộ người đủ điều kiện tiêm chủng và lên lịch mũi 2 để đề xuất TP phân bổ phù hợp.

Về việc đảm bảo an sinh xã hội, ông Nên cho rằng đây là “vấn đề trọng yếu, thường xuyên, cố gắng tối đa nhiều nguồn” để vận động, chăm lo chu đáo cho người dân. Bí thư Thành ủy mong muốn quận 7 rà soát và hỗ trợ kịp thời, kết hợp các đường dây nóng và mạng lưới tin tức để giảm nguy cơ bỏ sót người cần được hỗ trợ.

Về an ninh trật tự, ông Nên đề nghị quận 7 đối phó với nạn tin giả, thuốc giả và những người mạo danh bác sĩ và các đối tượng phá hoại khối đại đoàn kết, phá hoại nền an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quận 7 cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan, luôn cảnh giác trước dịch bệnh, thực hiện tốt 5K song song với giữ sức khỏe thể chất và tinh thần.

Quận 7 cần chuẩn bị các phương án, kịch bản về quản lý dịch vụ, công nghệ, nghiên cứu để người dân trở về “bình thường mới” trong thời gian sớm nhất. Ngoài mục tiêu kép cả sức khỏe người dân và sức khỏe nền kinh tế, quận 7 cũng cần bảo vệ sức khỏe hệ thống y tế để đối phó với không chỉ COVID-19 mà còn nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng khác.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh rằng trở lại cuộc sống “bình thường mới” không chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo quận 7 và của TP.HCM mà còn là mong mỏi của người dân. Cuối bài phát biểu, ông Nên nhấn mạnh sự tin tưởng rằng 10 phường của quận 7 sẽ “tiếp tục chiến đấu, giữ vững thành trì” của mình trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. 

Những hình dung về cuộc sống "bình thường mới"

Trao đổi với chí, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định quan điểm: TP.HCM không thể siết chặt giãn cách mãi, mà phải mở dần ra. Mọi người không thể quét sạch toàn bộ virus ra khỏi cộng đồng, vì vậy chúng ta phải chấp nhận "sống trong điều kiện mới".

Môi trường sống tới đây sẽ tiếp tục tồn tại virus SARS-CoV-2. Đây là điều mà tất cả mọi người dân cần phải ý thức, giống như chuyện chúng ta sống chung với lũ. "Muốn sống chung với lũ thì phải đôn nhà lên cao, phải cáo ghe xuồng, áo phao, phải biết bơi... Sống với lũ thì như thế, còn sống với virus SARS-CoV-2 thì chung ta phải có vaccine, có thuốc trị, phải có tâm thế phòng ngừa, có ý thức về phòng chống dịch bệnh. Điều đó có nghĩa là mỗi người dân đều cần được trang bị những điều kiện để có thể tự chiến đấu với sự tồn tại của virus. 

Muốn thế, ý thức, thói quen mới của người dân là cực kỳ quan trọng. Trong xã hội bình thường mới, người dân phải chủ động giữa khoảng cách, thực hiện 5K, thậm chí gần đây đã khuyến cáo là 7K. Chúng ta phải sống chậm lại một chút, đảm bảo môi trường sống thông thoáng hơn và sức khỏe tốt hơn. Khi đó nếu không may nhiễm virus thì cũng có thể vượt qua được. 

Ngoài ra, chúng ta phải củng cố hệ thống y tế đủ mạnh. Như vậy, khi phát sinh F0 thì họ có thể tự xét nghiệm, tự chăm sóc và điều trị theo hướng dẫn, trợ giúp của hệ thống y tế. Khi đó, mọi người có thể an tâm sản xuất, từ đó bảo vệ được sức khỏe của nền kinh tế. Đây là những hình dung ban đầu về cuộc sống bình thường mới, vừa dựa trên khoa học, những quan sát từ thực tiễn và những bài học kinh nghiệm của nhiều nước đã đi trước. 

TP giao cho các cơ quan nghiên cứu, trong đó có đội ngũ chuyên gia khoa học, thầy thuốc, các nhà xã hội học, tâm lý học,... nghiên cứu tất cả các vấn đề về con người và môi trường sống trong bối cảnh tồn tại virus SARS-CoV-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm