Bí thư Hà Nội lý giải việc giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16

Thông tin với báo chí sáng ngày 24-7, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp chiều ngày 23-7, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã thống nhất giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Chuẩn bị kỹ khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16

Theo đó tối muộn ngày 23-7, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày tính từ 6h ngày 24-7 theo “nguyên tắc chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”.

Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố từ 6 giờ ngày 24-7. Thời gian giãn cách kéo dài 15 ngày.

Lý giải về việc TP đưa ra quyết định trên, Bí thư Hà Nội cho biết, hiện dịch COVID-19 trong cả nước với biến chủng Delta diễn biến khó lường, Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch rất lớn. 

“Do đó Hà Nội đã quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định…” - ông nhấn mạnh.

Bí thư Hà Nội cho hay thực tế Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng các biện pháp tiệm cận với Chỉ thị số 16/CT-TTg trong đợt dịch đầu năm 2020.

Lần giãn cách này, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng khi đưa ra quyết định giãn cách xã hội để ít gây xáo trộn nhất cho đời sống người dân, đồng thời phát huy hiệu quả nhất biện pháp giãn cách xã hội để nhanh chóng khống chế dịch.

Đường phố tại khu vực trung tâm Hà Nội - Hồ Hoàn Kiếm vắng lặng sau khi thực hiện quyết định giãn cách xã hội vào sáng ngày 24-7

Ông kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

“Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Không để đứt gẫy chuỗi cung ứng…

Bí thư Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng lập các tổ công tác đặc biệt do các Phó Bí thư Thành uỷ chủ trì để chỉ đạo việc thực hiện giãn cách xã hội. Các cấp của TP phải coi nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu; Tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” …

Các cấp, nhất là người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ, tổ chức trực ban 24/7 để kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống. Đồng thời khuyến khuyến khích các kênh giám sát của nhân dân thông qua mạng xã hội…

Chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn được hoạt động với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19

Về bảo đảm đời sống người dân trong giãn cách, TP đã chỉ đạo chuẩn bị lượng hàng hoá thiết yếu tăng gấp 3-5 lần so với bình thường ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích.

Bên cạnh đó, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tuỳ từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở GTVT đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.

Bí thư Hà Nội khẳng định TP sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao đảm bảo cung ứng hàng hoá đầy đủ, kịp thời, giá cả ổn định cho người dân. Thậm chí trong trường hợp có F0, sẽ tại các điểm bán hàng sẽ có biện pháp khoanh vùng cục bộ, để duy trì các điểm bán hàng chứ không đóng cửa.

TP cũng huy động phương tiện để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm. “Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...”, Bí thư Hà Nội nói.

Hàng hoá được chuẩn bị đầy ắp tại siêu thị Vinmart - Khu đô thị Times City sáng ngày 24-7 - không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô mua hàng

Bí thư Hà Nội cũng khẳng định TP đã chuẩn bị năng lực tiếp nhận và điều trị các ca F0, nhất là các trường hợp nặng. Bảo đảm số lượng giường bệnh theo các kịch bản tương ứng là 5.000, 10.000 và 20.000 ca.

Hà Nội cũng đã chỉ đạo rà soát ngay để cần thiết trưng dụng các chung cư chưa đưa vào sử dụng làm bệnh viện dã chiến. Trong đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định nếu đủ điều kiện giao Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý vận hành, chuẩn bị đủ đồ dùng cơ bản. Ngành Y tế chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn, chăm sóc người bệnh. 

“Trước mắt, cần tranh thủ từng phút, từng giờ để thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới phát sinh, triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên trên diện rộng để khóa chặt F0 và hướng dẫn chuyên môn. Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vắc xin đã phê duyệt ngay khi được Trung ương phân bổ” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm