Bí thư Đồng Nai bất ngờ với rác lậu

“Mấy ngày qua, báo chí có phản ánh về tình trạng các bãi rác lậu tại tỉnh Đồng Nai, tôi rất bất ngờ” - ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai (ảnh), nói với Pháp Luật TP.HCM.

. Phóng viên: Người dân bức xúc phản ánh tình trạng đổ trộm rác, thậm chí rác công nghiệp, chất thải nguy hại trên địa bàn diễn ra nhiều năm. Thực tế tình trạng này được báo cáo cho lãnh đạo tỉnh như thế nào, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Phú Cường: Đúng là trước đây tôi cũng có nghe thông tin có tình trạng đổ rác lậu nhưng đó chỉ là một vài xe từ các mỏ đá hoặc chở rác từ Bình Dương qua chứ không hề có những bãi rác lớn như báo chí phản ánh. Cho nên khi nhận được thông tin, tôi rất bất ngờ. Có thể do tôi mới nhận nhiệm vụ cách đây vài tháng nên chưa nắm kỹ thực tế.

. Thông tin về các bãi rác lậu, bãi rác tạm hiện nay đã rõ, vậy tỉnh đã chỉ đạo xử lý gì chưa, thưa ông?

+ Ngay sau khi báo chí phản ánh, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm việc này. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho cơ quan công an, cảnh sát môi trường phối hợp với Sở TN&MT và các địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế. Trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý cụ thể. Tinh thần là xử lý nghiêm khắc.

Nhiều loại rác công nghiệp, hóa chất độc hại đổ trộm ở bãi rác Sông Mây. Ảnh: TD

. Các bãi rác tồn tại nhiều năm, việc đổ rác tuy nói là trộm nhưng lại công nhiên nên người dân cho rằng không chỉ là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ có trách nhiệm. Họ nghi ngờ có hiện tượng bảo kê cho các bãi rác lậu tồn tại. Ý kiến của ông về điều này thế nào?

+ Nếu có tình trạng đó thì dứt khoát những thành phần bảo kê sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Không thể để trên địa bàn Đồng Nai có tình trạng đó được. Bất cứ ai bảo kê cũng sẽ không tha. Chúng tôi đã giao Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp các đơn vị liên quan xem xét.

. Nhưng những nghi vấn bảo kê không loại trừ các cán bộ cảnh sát môi trường, nếu giao cho cơ quan này kiểm tra thì liệu có đáng tin cậy, thưa ông?

+ Hiện nay cảnh sát môi trường có chức năng này nên giao cho họ là đúng. Trong quá trình kiểm tra, xác minh thì cũng không loại trừ việc kiểm tra các đối tượng trong ngành nếu có nghi vấn.

. Xin cám ơn ông.

Chất thải đổ trộm, ai chịu trách nhiệm?

- Theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, chủ đất là người đầu tiên chịu trách nhiệm ngăn chặn nạn đổ trộm chất thải trên khu đất của mình. Nếu chủ đất không làm tròn, lại dẫn đến thiệt hại cho bên thứ ba do việc đổ trộm rác thì ngoài việc khắc phục hậu quả, chủ đất còn phải bồi thường thiệt hại.

Theo Phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu, nơi đổ rác trộm là đất của ông Nguyễn Tư Hiệp (huyện Trảng Bom). Tuy vậy, ông Nguyễn Tư Hiệp lại nói mình không phải chủ đất. Khi PV hỏi ai là chủ đất, ông Hiệp cáo bận, hẹp dịp khác.

- Theo Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, tất cả loại rác, kể cả rác thải sinh hoạt phải được giao cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. Nếu là chất thải nguy hại thì phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt hơn như buộc chủ nguồn thải đăng ký, có sổ theo dõi, có khu vực bảo quản và việc thu gom, vận chuyển (bằng xe chuyên dụng, theo lộ trình đăng ký), xử lý phải do đơn vị có chức năng thực hiện. Nói nôm na, chất thải công nghiệp không được giao cho đơn vị xử lý rác sinh hoạt (như trong vụ Formosa và dẫn đến chôn lấp bậy nhiều nơi).

Nếu các chủ nguồn thải giao cho người thu gom, vận chuyển và xử lý không đúng chức năng dẫn đến sai phạm thì phải liên đới chịu trách nhiệm.

- Ngoài ra, Nghị định 38/2015 cũng quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 179/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường…, các cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở TN&MT và cảnh sát môi trường cũng phải có trách nhiệm trong việc ngăn ngừa, xử lý nạn đổ trộm nêu trên.

Người trong cuộc nói gì?

Theo người dân, bãi rác tự phát tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là nơi đổ trộm rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại lẫn acid. Họ cũng phản ánh chất thải được gom từ KCN Nhơn Trạch và Biên Hòa 2. Sở TN&MT đã cho lấy mẫu và sẽ xác định rác ở đây thuộc loại gì.

Về chủ nguồn thải, người đổ chất độc cũng cần phải được làm rõ. Chiếc xe đổ trộm có biển số 60L-5253, trong khi người dân phản ánh ba xe biển số 60C-0250x, 60C-1990x và 60S-756x hay chở acid đổ trộm. Ngoài ra, loại chất thải mà PC49 tỉnh Đồng Nai vừa bắt quả tang đổ trộm chỉ là chất thải công nghiệp.

Về trách nhiệm cụ thể, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, nói: Vùng xảy ra đổ rác trộm là khu rừng tràm nằm giáp ranh với huyện Trảng Bom, lại thuộc khu quy hoạch. Nhận được phản ánh của người dân, xã có cử người đi tuần nhưng không phát hiện được. Việc đổ trộm rác xảy ra rất nhanh nên không bắt được quả tang. Hiện xã kết hợp tăng cường tuần tra cả ngày lẫn đêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu, cho biết: Địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra đổ rác trộm. Song đây là nơi giáp ranh với huyện Trảng Bom, đường sá đi lại khó khăn. Các đối tượng đổ rác trộm hoạt động lén lút vào đêm khuya nên khó phát hiện quả tang. Huyện đã đề nghị UBND tỉnh lập chuyên án truy tìm kẻ đổ trộm.

Ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho từng cơ quan. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra đổ rác không đúng quy định.

TR.THANH - T.DŨNG - G.NGHĨA

175 tỉ đồng dọn rác

Nạn đổ chất thải, kể cả chất thải nguy hại ở Đồng Nai đã xảy ra nhiều năm. Từ năm 2009, dư luận phản ánh thì cơ quan chức năng xác định ông Nguyễn Tư Hiệp có lập bãi chứa rác trái phép ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) từ năm 2006 để thu tiền. Ở bãi rác này chứa cả chất thải nguy hại.

Ở các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành… cũng có bãi rác lụi. Theo Sở TN&MT, toàn tỉnh có 47 bãi rác tạm và cần khoảng 175 tỉ đồng để xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm