Bí thư Đinh La Thăng: ‘Chung cư cũ chưa sập nên mấy ông chưa biết sợ!’

E ngại chung cư cũ sập giống cầu Ghềnh

Báo cáo với Bí thư Thăng, ông Võ Tiến Sỹ, Bí thư Quận ủy quận 5, cho biết toàn quận hiện có 222 chung cư, nhà tập thể đang xuống cấp cần sửa chữa. Trong đó, 106 chung cư, nhà tập thể có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng. “Quận đã tạo điều kiện để ba nhà đầu tư xúc tiến xây dựng chung cư mới ngay trong năm 2016 theo hình thức hợp tác công tư. Nhà đầu tư cam kết đổi căn hộ cũ lấy căn hộ mới không thu tiền của dân” - ông Sỹ nói.

Trước báo cáo này, Bí thư Đinh La Thăng đặt vấn đề: “Quận có 106 chung cư, nhà tập thể có dấu hiệu nguy hiểm nhưng trong kế hoạch năm năm tới chỉ xử lý một số chung cư. Còn những cái khác thì sao?”.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, báo cáo thêm: TP hiện có 474 chung cư xuống cấp và trong năm 2016 sẽ hoàn thành kết quả kiểm định. Riêng quận 5, trong năm 2016 phải kiểm định ít nhất chín chung cư cấp độ thấp. “Sở sẽ chọn một số doanh nghiệp kiểm định uy tín để giới thiệu cho các quận, huyện” - ông Danh nói.

Nghe thế, Bí thư Thăng gắt: “Chung cư cũ chưa sập nên mấy ông chưa sợ đúng không?”. Theo ông Thăng, các chung cư cũ ở TP.HCM không khác gì tình trạng của cầu Ghềnh khi chưa sập: Tuổi thọ đã rất cao, thiếu an toàn, dân lo lắng nhưng các đơn vị có trách nhiệm bàn mãi không ra phương án xây mới. Cuối cùng cầu sập vì một sà lan đụng vào! “Đừng để chung cư cũ giống như cầu Ghềnh” - ông Thăng lo ngại.

Ông Đinh La Thăng bất ngờ hỏi ông Nguyễn Văn Danh: “Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (phường 1, quận 5) đập được chưa?”, ông Thăng hỏi và giơ cao trước hội trường những bức ảnh mà báo chí ví von là “chung cư hoang tàn nhất Sài Gòn”. Ông Danh trả lời đã có trên 500 hộ di dời, hiện còn vướng 10 hộ. “Còn một số ít hộ không chịu di dời thì phải cưỡng chế, đừng để lợi ích của ít người làm ảnh hưởng đến số đông. Quận 5 phải tính toán, trình cơ chế để giải quyết ít nhất 53 chung cư cũ (50%) ngay trong năm 2016” - ông Thăng cương quyết.

“Phải di dời chợ hóa chất Kim Biên”

Liên quan đến chợ hóa chất Kim Biên, ông Đinh La Thăng cho biết không chỉ TP.HCM mà người dân cả nước đều bức xúc về chợ hóa chất này. “Tôi nghe báo chí phản ánh là ở đó có thể mua bất cứ loại hóa chất, số lượng nào cũng có. Các anh nói cho tôi xem là một chợ như vậy có cần di dời đi không?” - ông Thăng hỏi.

Giải trình, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết chợ Kim Biên có hai mảng kinh doanh. Mảng thứ nhất có 17 hộ trong khu vực chợ, chủ yếu kinh doanh các hương liệu phụ gia thực phẩm. Quận sẽ làm việc để vận động các hộ di dời.

Mảng thứ hai là các hộ kinh doanh, các văn phòng kinh doanh hóa chất đặt xung quanh chợ Kim Biên, không thuộc chợ Kim Biên quản lý mà do Sở KH&ĐT cấp phép, chủ yếu kinh doanh hóa chất công nghiệp. Thực hiện kế hoạch di dời các hộ kinh doanh này, TP đã giao Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) làm chủ đầu tư xây dựng trung tâm hóa chất nhưng tới nay chưa tìm được vị trí thích hợp.

Bí thư Thăng đánh giá cách làm như thế là chưa phù hợp. “Anh về công khai quy hoạch, công khai vị trí xây kho hóa chất cho tất cả nhà đầu tư lựa chọn thì làm nhanh ngay. Còn anh chỉ định tổng công ty nhà nước thì bao giờ làm xong?” - ông Thăng nói.

Bí thư Thăng nói thêm: “Kinh tế thị trường phải để cho thị trường quyết định, phân bổ. Phải công khai tiêu chí quy hoạch, kho hóa chất để cho mọi nhà đầu tư cùng tham gia. Nhu cầu phải di chuyển chợ, hóa chất rất khủng khiếp mà các anh cứ làm đủng đỉnh biết bao giờ xong”.

Vỉa hè chủ yếu do người giàu chiếm dụng

Theo ông Võ Tiến Sỹ, quận 5 có nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, trong đó có việc tập trung chấn chỉnh trật tự mua bán lấn chiếm lòng, lề đường.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng nói đến buôn bán ở vỉa hè, lòng đường, người ta thường nghĩ đến người nghèo. Nhưng vỉa hè hiện nay chủ yếu do người có tiền, người giàu chiếm dụng kinh doanh và làm nơi đỗ xe. Vì thế, đối tượng chính mà chính quyền phải quản lý là những người giàu, nhà mặt phố. Quận 5 cần chấn chỉnh ngay tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè” - ông Thăng chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm