Bị kỷ luật, cán bộ có tự ái cũng phải công khai

Sáng 14-3, tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức công bố Báo cáo Đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Ông Đặng Huy Hậu (đại diện tỉnh Quảng Ninh) cho biết qua kết quả chỉ số SIPAS của tỉnh năm 2015 cho thấy một số tiêu chí người dân đánh giá ở mức trung bình và thấp như thông tin về giải quyết thủ tục hành chính chưa thuận tiện, đầy đủ và chưa chính xác, hồ sơ chưa đơn giản. Đặc biệt là công chức giao tiếp chưa lịch sự, chưa tận tình và chưa chu đáo, hướng dẫn chưa rõ ràng. “Thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ công chức, người dân cảm thấy chưa được thoải mái lắm. Giải quyết thủ tục vẫn còn chậm” - ông Hậu nói.

Bị kỷ luật, cán bộ có tự ái cũng phải công khai ảnh 1
Toàn cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh: LÊ SƠN/VGP

Do vậy, trong thời gian tới ông Đặng Huy Hậu cho biết tỉnh Quảng Ninh sẽ siết chặt kỷ cương kỷ luật cán bộ công chức. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức.

“Kiểm tra để uốn nắn hoặc xử lý. Cũng có những người bị kỷ luật, nếu không làm thế thì không thể giải quyết được vấn đề siết chặt kỷ cương và phải chấp nhận kỷ luật, uốn nắn và điều chuyển cán bộ nếu thấy không hợp lý” - ông Hậu nói.

Ông Hậu cũng cho rằng chọn cán bộ giải quyết thủ tục hành chính này là rất quan tâm chứ không thể phân theo chu kỳ một năm, hai năm. Phải chọn cán bộ đủ năng lực, có đạo đức và có khả năng phục vụ tốt.

“Trong mỗi lần kiểm tra, chúng tôi đều công khai cán bộ bị lỷ luật lên phương tiện thông tin đại chúng. Tự ái cũng phải chịu thôi, cũng phải công khai. Thậm chí có chút tự ái cá nhân thì cũng phải khắc phục cho tốt” - ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, chính vì làm nghiêm kỷ luật kỷ cương đã có hiệu ứng tốt. “Vừa qua, tỉnh cũng có kỷ luật một cán bộ ở địa phương và đã tạo được dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, thái độ làm việc nghiêm túc hơn” - ông Hậu nói và đề nghị phía Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải tăng cường vai trò phản biện vì cơ quan nhà nước khi nào cũng cho là mình làm tốt nhưng phải có sự phản biện mới thực sự tốt lên được. Một chính quyền mà dân hài lòng thì đó là một chính quyền tốt, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sáu thủ tục hành chính được chọn để triển khai SIPAS 2015 gồm: Cấp giấy CMND, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực.

Kết quả thu được cho thấy sáu thủ tục nhận được từ 60,2% đến 77,2% số người được hỏi cho rằng thông tin đầy đủ, chính xác. Người dân đánh giá khá cao sự đúng hẹn của cơ quan hành chính nhà nước trong việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Sáu thủ tục nhận được từ 81% đến 89% số người được hỏi cho rằng kết quả được trả đúng hẹn. Toàn bộ sáu lĩnh vực đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí phải nộp theo quy định của Chính phủ chiếm từ 4,9% đến 28,4% số người được hỏi.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính thấp hơn các chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức. Các chỉ số chất lượng của sáu thủ tục nằm trong khoảng 40%-70%, các chỉ số hài lòng của sáu thủ tục nằm trong khoảng 70%-90%.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có các chỉ số thấp nhất, thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn có các chỉ số cao nhất trong sáu thủ tục. “Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đã phần nào tác động làm thay đổi tư duy, phương pháp giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức để phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn” - Bộ trưởng Tân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm