Bi hài với hàng ngàn hồ sơ nhiễm chất độc hóa học dỏm

Đến hết tháng 4-2019, chỉ kiểm tra 11 địa phương (Quảng Trị, Thái Bình, Sơn La, Bình Dương, Gia Lai, Quảng Nam, Khánh Hòa, Nam Định, Bắc Giang, Lào Cai, Bình Định), Bộ LĐ-TB&XH phát hiện ra những chuyện khó tin trong việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH).

Các nhân viên nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị. Ảnh: A.TUẤN

Vô sinh nhưng có con đàn cháu đống!

Tại Lào Cai, một số người đang hưởng chế độ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH do bị dị dạng, dị tật, không còn khả năng lao động, vô sinh… nhưng kết quả xác minh trực tiếp lại không bị gì.

Theo hồ sơ, ông Long Văn Kh. (65 tuổi, ngụ xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, Lào Cai) bị vô sinh. Tuy nhiên, qua xác minh thì thực tế ông có ba người con, lớn nhất 44 tuổi (tức 21 tuổi ông đã sinh con), nhỏ nhất 36 tuổi. Các con của ông đều khỏe mạnh và không bị dị dạng, dị tật.

Tương tự, ông Đặng Văn Ch. (66 tuổi, ngụ xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) được Hội đồng giám định y khoa (GĐYK) tỉnh Lào Cai kết luận vô sinh. Thế nhưng thanh tra xác minh trực tiếp tại địa phương, ông Ch. có một người con gái đã lấy chồng và cô này sinh ba người con.

Trớ trêu hơn, ông Nông Đình Ch. (64 tuổi, ngụ xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, Lào Cai) được kết luận trong hồ sơ là con bị dị dạng, dị tật “đau đầu, chảy máu cam, ho” nhưng thanh tra xác minh thì người này là con nuôi chứ không phải con ruột của ông.

Đương chức hoặc vừa nghỉ hưu là bị… tâm thần

Ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) thì có chuyện nhiều người cùng lúc viết đơn xin điều trị nội trú rối loạn tâm thần tại BV Tâm thần Trung ương I .

Những người này ở cùng một xã của huyện Quỳnh Phụ, đi điều trị theo từng nhóm từ hai đến năm người. Điều trị 10-15 ngày thì viết đơn xin ra viện với cùng một lý do: “Bệnh đã đỡ nhiều, gia đình có việc bận nên đề nghị bệnh viện cho về nhà uống thuốc theo đơn”. Đồng thời họ xin sao y bệnh án điều trị bệnh để làm thủ tục hưởng chế độ.

Đoàn thanh tra gặp trực tiếp 163 người đang hưởng chế độ CĐHH ở huyện Quỳnh Phụ và xác định là họ hoàn toàn bình thường. “Phần lớn các trường hợp này là đảng viên, cán bộ hưu trí đang tham gia sinh hoạt, làm bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn. Có trường hợp cả vợ và chồng là cán bộ hưu trí nhưng đều xác lập hồ sơ hưởng chế độ CĐHH trên cơ sở bị bệnh rối loạn tâm thần…” - Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Theo hồ sơ, ông Lương Huy Kh. (65 tuổi, ngụ xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), nguyên là cán bộ Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an), về hưu năm 2013. Đến tháng 3-2017, ông chuyển hộ khẩu từ Hà Nội về xã An Ninh và ngay lập tức được xác nhận hồ sơ “rối loạn tâm thần” để hưởng chế độ của người có công.

Tiếp đến, ông Nguyễn Hữu N. (65 tuổi, ngụ xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Phụ) là cán bộ hưu trí, từng công tác ở Cục Hải quan TP Hải Phòng. Ông về hưu năm 2014, đến năm 2015 đã lập hồ sơ xác nhận “rối loạn tâm thần” để hưởng chế độ…

Hay trường hợp ông Đoàn Văn S. (69 tuổi), thời điểm xác minh thì ông là phó bí thư chi bộ một thôn ở xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, cũng được xác minh là rối loạn tâm thần. Rồi ông Nguyễn Thanh Ng. (nguyên Bí thư xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ) vừa nghỉ hưu là có bệnh án tâm thần.

“Đặc biệt, kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ, giám định đối với 114 trường hợp tại Hội đồng GĐYK tỉnh Thái Bình, kết quả cho thấy giám định viên chủ yếu khám lâm sàng và căn cứ vào bản sao bệnh án của các đối tượng đã được điều trị tại cơ sở y tế trước đó để đưa ra kết luận rối loạn tâm thần… là chưa chặt chẽ” - Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn trải qua nhiều thế hệ. Trong ảnh: Gia đình ông Trần Văn Trâm ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị)  có bốn người con bị nhiễm chất độc hóa học. Ảnh: VIẾT LONG

Những xác nhận y khoa lạ lùng

Có rất nhiều sai phạm nhưng điểm chung mà Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra là “Hội đồng GĐYK cấp tỉnh nhận định chủ quan, sơ sài” trong việc xác nhận hồ sơ.

Minh chứng cho việc này là ở Quảng Trị, đoàn thanh tra phát hiện 671 trường hợp được Hội đồng GĐYK tỉnh này kết luận mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính. Tuy nhiên, hầu hết hồ sơ khám, giám định không được kết luận chính xác về định khu tổn thương (vị trí bệnh) theo hướng dẫn của Viện GĐYK (Bộ Y tế). Tất cả hồ sơ ghi chung chung là “bệnh lý đa dây thần kinh ưu thế chi trên phải; bệnh lý đa dây thần kinh ưu thế chi trên và chi dưới phải”...

Theo cán bộ Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, thông thường bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính chỉ xảy ra trong thời gian ngắn khi quân đội Mỹ rải CĐHH. Thế nhưng việc rải CĐHH đã hơn 40 năm nên không thể có chuyện bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính. “Hội đồng GĐYK tỉnh Quảng Trị kết luận như vậy là khó hiểu...” - một cán bộ thanh tra nói.

Theo kết luận của Bộ LĐ-TB&XH, con số hồ sơ sai sót hoặc nghi sai sót phải điều chỉnh mức hưởng, giám định lại tại 11 tỉnh lên đến hàng ngàn hồ sơ. Cụ thể, ở Lào Cai có 1.700 hồ sơ, Quảng Trị gần 1.000 hồ sơ, Thái Bình trên 500 hồ sơ... với số tiền thu hồi hàng chục tỉ đồng. 

Có trường hợp là ông Trần Thanh Ph. (66 tuổi, ngụ huyện Gio Linh, Quảng Trị), hồ sơ ghi con đẻ bị biến dạng lồng ngực mức độ nhẹ. Điều khó hiểu là trong biên bản kiểm tra giữa Sở LĐ-TB&XH tỉnh và Hội đồng GĐYK ban đầu ghi “chưa phát hiện dị dạng, dị tật” và kết luận “không giải quyết”. thế nhưng sau đó nội dung trên bị gạch đi để viết thêm “biến dạng lồng ngực mức độ nhẹ” và ông Ph. được hưởng chế độ. Thanh tra xác minh thực tế ông Ph. cho biết con trai đang học tại Trường Sỹ quan chính trị (Bộ Quốc phòng).

Chưa hết, ở Lào Cai, đoàn thanh tra phát hiện 100% trường hợp con đẻ của người tham gia hoạt động kháng chiến được Hội đồng GĐYK tỉnh Lào Cai khám, giám định kết luận đối tượng dị dạng, dị tật không đúng quy định.

Một số trường hợp giám định viên (bác sĩ) chuyên khoa không kết luận dị dạng, dị tật nhưng Hội đồng GĐYK tỉnh Lào Cai vẫn “cho” thành đối tượng dị dạng, dị tật và đề nghị giải quyết chế độ người có công.

Còn tại Thái Bình, có 58 trường hợp được Trung tâm y tế cấp huyện xác nhận dị dạng, dị tật nặng, không có khả năng lao động. Tuy nhiên, khi đoàn xác minh thực tế, cho thấy tất cả không dị dạng, dị tật, có một số trường hợp đang làm việc tại địa phương, thậm chí đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Nga, Ukraine.

Có trường hợp ông Đinh Minh Đ. (sinh năm 1950, cư trú tại xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định) được Hội đồng GĐYK tỉnh Nam Định kết luận mắc bệnh “ung thư gan nguyên phát” và xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể là 81% trên cơ sở giấy ra viện. Nhưng thực tế ông này không điều trị bệnh ung thư gan nguyên phát tại bệnh viện.

Tại các tỉnh khác cũng có trường hợp không có bệnh được Hội đồng GĐYK cấp tỉnh kết luận thành bệnh nặng, tâm thần...

Không cung cấp được căn cứ cho đoàn thanh tra

Đoàn thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện nhiều trường hợp không có giấy tờ xác nhận tham gia kháng chiến ở khu vực Mỹ rải CĐHH hoặc khai man, làm giấy tờ giả để làm hồ sơ hưởng chế độ.

Cụ thể, ở Thái Bình có 75 trường hợp hưởng chế độ CĐHH có giấy chứng nhận đi B do Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình cấp. Tuy nhiên, kết quả xác minh, Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh không cung cấp được căn cứ để cấp giấy chứng nhận có thời gian đi B cho 75 trường hợp này. 

Hỏi một đằng, Bộ Y tế trả lời một nẻo

Trong các văn bản kết luận của mình, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đều nhận định hội đồng GĐYK dễ dãi trong xác nhận, kết luận tình trạng dị dạng, dị tật hoặc vô sinh của đối tượng.

Hội đồng GĐYK chỉ căn cứ vào giấy tờ điều trị để kết luận đối tượng có tỉ lệ tổn thương cơ thể cao hơn mức tỉ lệ quy định nhưng chưa xem xét tính chính xác của hồ sơ điều trị, dẫn đến có trường hợp đã sử dụng giấy tờ điều trị giả để làm căn cứ lập hồ sơ.

Một số hội đồng GĐYK tại các địa phương thiếu thành phần hội đồng, kết luận nhiều trường hợp không đúng mã bệnh theo quy định nhưng vẫn cho hưởng chế độ...

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Y tế thẩm định kết luận về chuyên môn đối với các trường hợp nghi sai phạm có liên quan đến công tác giám định tại Thái Bình (trong đó nhiều cán bộ hưu trí, đương chức được kết luận rối loạn tâm thần).

Sau đó Bộ Y tế lập đoàn công tác do lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm đầu mối phối hợp với BV Bạch mai để kiểm tra 366 trường hợp nghi vấn xác định không đúng bệnh của Hội đồng GĐYK tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, kết luận cuối cùng của Bộ Y tế, do một thứ trưởng ký, cho rằng Hội đồng GĐYK tỉnh Thái Bình đã thực hiện đối với các trường hợp trên là “đúng quy trình và hướng dẫn”.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH khẳng định cách trả lời này chưa thỏa đáng: “Chúng tôi không hỏi quy trình khám mà muốn Bộ Y tế khám, giám định lại các trường hợp trên bởi nhiều người là cán bộ vừa nghỉ hưu hoặc giữ chức bí thư chi bộ vẫn được xác nhận là rối loạn tâm thần… Cái này chưa thấy Bộ Y tế trả lời, mà là một văn bản nhận định chung chung…” - vị này khẳng định.

VIẾT LONG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm