Bệnh viện dã chiến Củ Chi có lúc lo vỡ trận

Bệnh viện (BV) dã chiến Củ Chi được UBND TP.HCM đầu tư trong khuôn viên Trường Quân sự TP.HCM Cơ sở 2 nhằm cách ly, phát hiện và điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Từ ngày 1-4, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, BV có 120 y, bác sĩ, điều dưỡng trực chiến tại chỗ trong cuộc chiến với dịch COVID-19.

Một trong ba điểm chuyên trị COVID-19

BV dã chiến (huyện Củ Chi) là một trong ba BV chuyên điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM cùng với BV Bệnh nhiệt đới và BV điều trị COVID-19 ở huyện Cần Giờ. Mô hình BV dã chiến này lần đầu được triển khai tại TP.HCM, đây được xem là nỗ lực chống dịch của ngành y tế TP, trong vòng một tuần thành lập từ một trường huấn luyện quân sự, BV đã sẵn sàng nhận bệnh nhân.

Các y bác sĩ túc trực, theo sát từng bệnh nhân đang được điều trị ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh: NT

Theo BS-CK2 Nguyễn Thành Dũng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, được phân công giữ chức vụ giám đốc BV dã chiến, trong thời gian đầu, BV luôn nhận được sự trực tiếp chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM. Những văn bản, chỉ đạo mỗi ngày của ban chỉ đạo đã mang lại hiệu quả và sát sao với tình hình hoạt động tại BV. Không chỉ định hướng hoạt động từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM, ba BV điều trị COVID-19 còn thường xuyên phải tham dự họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Y tế bất kể trong hay ngoài giờ hành chính để cập nhật ngay tình hình dịch và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch.

Vượt qua khó khăn

Từ chỗ gặp khó khăn khi cơ sở điều trị mới thành lập với trang thiết bị còn thiếu, BV đã kịp thời nhận được sự hỗ trợ của ngành y tế TP.HCM. Trong đó, BV Ung bướu hỗ trợ 260 giường bệnh mới, hiện đại, BV quận Thủ Đức với xe siêu âm di động, máy X-quang kỹ thuật số, BV Củ Chi với máy sinh hóa, huyết học, năm máy thở và nhiều trang thiết bị khác của các BV trong TP... Thông qua các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ năm máy monitor theo dõi chức năng sinh tồn cho bệnh nhân, 10 phòng áp lực âm, đồ phòng hộ, khẩu trang N95… nhằm tối ưu hóa cho công tác điều trị.

Những bệnh nhân được công bố chữa khỏi tặng hoa, gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh: NT

BS Dũng chia sẻ: Không ít bệnh nhân nhập bệnh viện dã chiến là người lớn tuổi, có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp…, hoặc viêm phổi phải điều trị kháng sinh chích... May mắn, các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với điều trị, không có bệnh nhân nặng phải thở máy.

Các thành viên của ba bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 thường xuyên trao đổi chuyên môn, hội chẩn qua một nhóm chát online trên điện thoại, đặc biệt là các bệnh nhân có triệu chứng rầm rộ, diễn tiến nặng ngay trong thời gian đầu nhập viện như bệnh nhân số 91.

“Tất cả đều nhắc nhau không được chủ quan và cố gắng kiểm soát tình trạng của bệnh nhân vì đây là loại virus mới, có khả năng đến 20% bệnh nặng, trong đó 2,5% bệnh rất nặng và dẫn đến tử vong. Đây cũng là dịp giúp cho đội ngũ điều trị có thêm kiến thức, tương lai có thể còn gặp những trường hợp tiếp theo. Hiện tại, trên thế giới tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, Việt Nam sắp tới sẽ tiếp tục đón nhận kiều bào về nước, do đó mặc dù bệnh nhân giảm nhưng thời gian này chúng tôi vẫn tiếp tục tập huấn, cập nhật kiến thức phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế, phòng ốc... trên tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống”, ông nói.

Cứu được nhiều người

Trung tuần tháng 3, lượng Việt kiều về nước rất đông, lên tới cả ngàn người mỗi ngày, đó cũng là thời điểm dịch bệnh ở vào giai đoạn căng thẳng khi cao điểm BV dã chiến phải tiếp nhận dồn dập hơn 10 bệnh nhân mỗi ngày.

“Chúng tôi cũng mang tâm lý lo lắng, căng thẳng không kém, sợ rằng bệnh nhân đông sẽ gây vỡ trận, vượt tầm kiểm soát như đã xảy ra ở các nước châu Âu...” - BS Dũng chia sẻ.

BS Dũng nhận định để có được thành quả kể trên, ngoài điều trị là giải quyết hậu quả, điều trị cho số người đã mắc bệnh thì mảng dự phòng đóng vai trò quyết định trong việc kiểm soát dịch bệnh, khống chế lây lan, cụ thể ở TP.HCM là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM. Mặc dù ban đầu có thể sự phối hợp còn chưa tốt và chưa được nhuần nhuyễn nhưng càng về sau, các cơ quan này phát huy vai trò sàng lọc, phát hiện người bệnh rất hiệu quả. Chính điều này đã giúp cho dịch bệnh ít có cơ hội lây lan ra cộng đồng và giảm số lượng ca mắc, giúp cho khối điều trị đỡ gánh nặng, yên tâm dốc sức điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự phối hợp của các cơ quan công an, UBND các cấp, các tổ chức chính trị xã hội... đã phối hợp sàng lọc, tuyên truyền, phối hợp cách ly người có nguy cơ mắc bệnh.

Thời gian vừa qua, BV đã tiếp nhận và điều trị cho 36 bệnh nhân, một bệnh nhân được chuyển BV Bệnh nhiệt đới. Đây là nơi tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều thứ hai trên cả nước sau BV Bệnh nhiệt đới trung ương. BV đã điều trị khỏi bệnh cho 31 bệnh nhân và hiện chỉ còn bốn bệnh nhân đang điều trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm