Bến xe Miền Tây mới đã có “bãi đáp”

Sau năm năm lựa chọn vị trí và hai lần thay đổi lựa chọn này, UBND TP.HCM đã chính thức chọn “bãi đáp” cho Bến xe Miền Tây mới tại khu E, thuộc đô thị Nam TP tại cuộc họp với các sở, ngành và đơn vị liên quan ngày 3-1.

Gỡ nút thắt với Phú Mỹ Hưng

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở QH-KT, cho biết ba vị trí được chọn để xây dựng Bến xe Miền Tây mới đều nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh: Xã Tây Quy Tây, Tân Kiên và khu Nam TP thuộc xã An Phú Tây. Sau nhiều cuộc họp, các sở, ngành đều thống nhất chọn vị trí tại khu E trong khu đô thị Nam TP với quy mô 16,2 ha. Tuy nhiên, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, đơn vị thuê đất dài hạn (50 năm) để khai thác và sử dụng, đã không đồng ý quy hoạch bến xe tại khu vực này. Sở QH-KT đã qua hai lần thương thảo với Công ty Phú Mỹ Hưng nhưng không đạt kết quả.

Theo ông Nguyễn Bửu Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, khu E nằm trong phần diện tích liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài. Hiện nay, tỉ lệ góp vốn của Việt Nam mới đạt 16% trên tổng số vốn góp là 30%. Hiện UBND TP đang giao cho Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng khu E. Ông Hội cho rằng IPC từng kiến nghị để Phú Mỹ Hưng thực hiện công tác này nhưng “nếu IPC đền bù và bàn giao mặt bằng cho Phú Mỹ Hưng thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Ngược lại nếu Phú Mỹ Hưng bồi thường thì phải tính toán lại tỉ lệ góp vốn” - ông nói.

Một góc Bến xe Miền Tây hiện hữu. Ảnh: HTD

Phía UBND huyện Bình Chánh cho biết toàn khu E có tổng diện tích khoảng 81 ha, có 685 hộ dân thuộc diện giải tỏa, trong đó 571 hộ giải tỏa trắng. Huyện Bình Chánh đã rà soát hiện trạng của 682/685 hộ và lên phương án bồi thường song chưa được thông qua.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, chỉ đạo việc bồi thường vẫn giao cho IPC. Vì tính chất quan trọng của vị trí xây dựng Bến xe Miền Tây mới, TP đề nghị Phú Mỹ Hưng cắt 16,2 ha đất ra khỏi ranh của khu đô thị Nam TP để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng và phát triển TP. TP sẽ cấn trừ lại tiền thuê đất Phú Mỹ Hưng đã chi trả dài hạn (50 năm) cho phần đất này.

Vị trí mới mang lại lợi ích xã hội lớn

Vị trí Bến xe Miền Tây mới tại xã An Phú Tây vốn thuộc khu vực bến bãi. Ông Tín đánh giá đây là vị trí đắc địa, kết nối được với các tỉnh miền Tây và tuyến Monorail sẽ hình thành trong tương lai tại huyện Bình Chánh. TP cũng từng làm việc với Ngân hàng Thế giới về việc đầu tư dự án xe buýt nhanh tại khu vực này. Ngân hàng Thế giới cũng nhất trí chọn địa điểm nêu trên để xây dựng Bến xe Miền Tây. “Việc hình thành mô hình bến xe tích hợp nhiều chức năng sẽ giúp hành khách có thể di chuyển đến và đi từ đây bằng nhiều phương tiện đến nhiều khu vực” - ông Tín cho biết.

Thuận lợi thứ hai khi hình thành bến xe là kết nối được các chùm đô thị dọc theo trục đường Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt; từ đại lộ Võ Văn Kiệt đi lên phía bắc và đông bắc của TP, đồng thời kết nối khu vực Thủ Thiêm và bán đảo Thanh Đa - Bình Quới. Lãnh đạo TP cho rằng ngay trong quyết định quy hoạch E đã xác định một chức năng rất quan trọng là trung tâm lưu thông hàng hóa, đầu mối hoạt động trung chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. “Vị trí này phát huy hiệu quả cao nhất về mặt quy hoạch tổ chức giao thông. Nhờ việc kết nối giao thông của khu vực này mà chính các chùm đô thị xung quanh cũng sẽ được hưởng lợi” - ông Tín đánh giá.

Hiện khu vực này vẫn chưa có quyết định thu hồi giao đất nên ông Tín chỉ đạo các đơn vị liên quan tách Bến xe Miền Tây thành một dự án riêng, không phụ thuộc vào các dự án tại khu Nam và yêu cầu các sở, ngành phối hợp với Ban Quản lý khu Nam xác định ranh cụ thể. Ông Tín cũng lưu ý việc xây dựng bến xe không được kết nối trực tiếp vào khu E để tránh làm giảm giá trị của khu đô thị này.

Trong vòng một tháng tới, các đơn vị được giao nhiệm vụ phải báo cáo kết quả đo vẽ và trình quyết định thu hồi, giao đất để TP xem xét.

 Điều chỉnh quy hoạch Bến xe Miền Đông

Tại cuộc họp, Sở QH-KT cũng kiến nghị điều chỉnh quy hoạch 1/500 của Bến xe Miền Đông tại phường Long Bình, quận 9 và phường Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương. Theo đó, sở này đề nghị bổ sung thêm chức năng kho trung chuyển, giao dịch hàng hóa, khu dịch vụ phụ trợ (khu rửa xe, trạm xử lý nước thải và bãi rác), chức năng thương mại, dịch vụ, khách sạn để phục vụ hành khách và khai thác bến xe tốt hơn, đồng thời chuyển trung tâm đăng kiểm ra khỏi bến xe để giảm tải cho khu vực.

Ông Nguyễn Hữu Tín chấp thuận điều chỉnh quy hoạch 1/500 của Bến xe Miền Đông như đề nghị; đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu các chỉ tiêu như trên để áp dụng cho việc quy hoạch các Bến xe An Sương, Miền Tây.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm