Bến Tre

Bến Tre xin 61 tỉ đồng ứng phó hạn mặn

Theo ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân 2017-2018 trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre đang cần thêm trên 112 tỉ đồng để thực hiện việc xây dựng các công trình thủy lợi, nạo vét các cửa sông lấy nước, sửa chữa cống, đắp đập tạm để trữ nước ngọt, ngăn mặn xâm nhập.

Để bảo vệ diện tích lúa đông xuân 2017-2018 địa phương đang cần hỗ trợ chống hạn mặn.

Do ngân sách hạn hẹp, UBND tỉnh Bến Tre đã kiến nghị trung ương hỗ trợ trên 61 tỉ đồng để địa phương thực hiện các giải pháp ngăn mặn, chống hạn trong vụ đông xuân 2017-2018.

Năm 2016 tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh xuất hiện sớm và hết sức khốc liệt. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây nhiều thiệt hại rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.  

Từ năm 2014 đến nay, trung ương đã hỗ trợ Bến Tre trên 95 tỉ đồng đầu tư khẩn cấp các công trình thủy lợi khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn. Đến nay ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các địa phương đã thực hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng 43 công trình và hỗ trợ bồn chứa nước ngọt cho trên 1.600 hộ dân tại ba huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Người dân chủ động trữ nước vào mùa khô.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa được khép kín và đồng bộ. Tình hình xâm nhập mặn vẫn còn, tiếp tục đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân. Trước tình hình trên địa phương rất cần trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh Bến Tre trong công tác phòng, chống hạn mặn của năm 2018.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Hoàng Lam, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, cho biết hiện nước  mặn đã bắt đầu xâm nhập vào ba cửa sông chính của tỉnh là Cổ Chiên, Hàm Luông và Cửa Đại từ đầu tháng 1-2018 với nồng độ không cao, tuy nhiên mặn chưa xâm nhập sâu vào nội đồng.

“Dự báo thời gian tới có những đợt xâm nhập mặn trên các sông chính theo những đợt triều cường kết hợp với gió chướng hoạt động mạnh, mặn sẽ theo thủy triều xâm nhập sâu vào nội đồng nên người dân không nên chủ quan mà phải tích cực đề phòng” - ông Lam nói.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm