Ba nước cờ nguy hiểm của Trung Quốc ở biển Đông - Bài 2

Bẫy tâm lý của Trung Quốc ở biển Đông

Sự kiện Trung Quốc (TQ) cử nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào EEZ và thềm lục địa Việt Nam nói riêng là một dạng thức tâm lý chiến của Bắc Kinh. GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Maine (Mỹ), khẳng định sự kiện tàu địa chất Hải Dương 8 cho thấy TQ không chỉ muốn đánh đòn tâm lý bằng cách đe dọa Việt Nam và các nước trong khu vực mà còn đánh đòn pháp lý qua việc đòi định nghĩa lại các quy định của UNCLOS, đồng thời đánh đòn truyền thông qua tuyên bố TQ chỉ tranh chấp với Việt Nam và chỉ giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp song phương.

Liên quan đến các hoạt động của tàu dân quân biển TQ và các vụ va đâm trên biển Đông, theo TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, TQ muốn ngư dân hoảng sợ trước sức mạnh của tàu TQ, làm giảm sút nhuệ khí, sự tin tưởng vào khả năng của ngư dân chống lại các hành động đe dọa của TQ. Dần dần ngư dân sẽ từ bỏ ngư trường của họ.

Muốn bẻ gãy ý chí đối phương

. Phóng viên: TQ vận dụng tâm lý chiến (hay chiến tranh tâm lý) ở biển Đông ra sao?

GS Ngô Vĩnh Long

+ GS Ngô Vĩnh Long: Chiêu trò lớn nhất của TQ là dùng sức mạnh quân sự để đe dọa. Cụ thể, TQ xây đảo nhân tạo và đưa vũ khí tối tân ra đó. Đồng thời, Bắc Kinh tiến hành tập trận trên biển trong khi thường xuyên tuyên bố Mỹ và các nước ngoài khu vực không có vai trò gì ở biển Đông. TQ đặc biệt chĩa mũi tên chiến tranh truyền thông vào Mỹ để cho thấy là nếu Mỹ và các đồng minh không phản ứng mạnh thì TQ có thể chứng minh mình ở thế thượng phong. Ngoài ra, việc TQ cho tàu hải cảnh, các đội tàu dân quân biển quấy phá, đe dọa và đâm chìm tàu đánh cá của các ngư dân trong khu vực đều là những chiêu trò tâm lý chiến.

Tâm lý chiến được hậu thuẫn bằng quan hệ kinh tế và thương mại. Nhìn vào các chỉ số như xuất siêu và nhập siêu của TQ với từng nước trong khu vực, có thể hình dung ảnh hưởng tâm lý chiến của TQ với nước đó. TQ tạo ra ảnh hưởng tâm lý lớn nhất là trên đất liền chứ không phải trên biển, nhất là ở các nước mà giới lãnh đạo có quan hệ tốt với TQ như Campuchia, Philippines.

TS Nguyễn Thành Trung

+ TS Nguyễn Thành Trung: Mục đích cơ bản của tâm lý chiến TQ là ảnh hưởng hoặc bẻ gãy tâm lý kháng cự của đối tượng bằng cách làm cho đối tượng hoảng sợ hoặc làm cho đối tượng “ngoan ngoãn” chiều theo mà không cần phải dùng vũ lực. TQ sử dụng nhiều cách: các lực lượng quân sự, bán quân sự đe dọa; đưa thông tin sai, dùng sức ép ngoại giao, sức ép kinh tế hay dùng truyền thông đe dọa.

Việc xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo ở biển Đông với hạ tầng và thiết bị quân dụng hiện đại, gồm hải cảng, đường băng, radar, tên lửa nhằm làm cho các nước ở biển Đông cảm thấy “mất nhuệ khí” và dẫn đến tâm lý là “mọi chuyện đã rồi”. Ngoài ra, TQ cũng sử dụng các biện pháp ngoại giao nhất quán, lớn giọng tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực biển Đông. Về mặt lâu dài, điều này dần dần tác động tâm lý các quốc gia khác trên thế giới và làm cho họ “xuôi theo” lập luận của TQ.

TQ vừa là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, lại có chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, vì vậy TQ có thể dùng các biện pháp gây sức ép về kinh tế, ngoại giao và quân sự nhằm thực hiện tâm lý chiến.

Tàu Trung Quốc thường tiến hành hù dọa để làm các nước lo sợ và tự từ bỏ biển Đông. Ảnh: GETTY

. Tâm lý chiến đóng góp lợi ích gì cho tham vọng của Bắc Kinh ở biển Đông? Ví dụ?

+ TS Nguyễn Thành Trung: Tham vọng của TQ là độc chiếm biển Đông. So với biện pháp quân sự, tâm lý chiến có chi phí thấp hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả nên được ưu tiên. Chẳng hạn, TQ xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở biển Đông, lắp đặt vũ khí tối tân, thường xuyên tập trận bắn đạn thật ở khu vực tranh chấp để răn đe các bên tranh chấp, khiến họ cảm thấy sự ưu việt của quân đội TQ và dần dần từ bỏ khả năng tranh chấp quân sự với TQ.

Việc Tổng thống Duterte của Philippines thường phát biểu cho rằng phải nhượng bộ TQ trong tranh chấp chủ quyền biển Đông vì sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là một ví dụ rất rõ về thành công của tâm lý chiến. Ngoài ra, việc dùng các lực lượng dân quân biển TQ hù dọa, đâm va tàu đánh cá nhỏ các nước khác có thể khiến họ sợ mà từ bỏ ngư trường.

+ GS Ngô Vĩnh Long: Tôi cũng cho rằng Philippines là một trường hợp điển hình mà TQ thắng nhờ tâm lý chiến. Dù Philippines đã thắng kiện ở Tòa Trọng tài năm 2016, chính quyền Rodrigo Duterte đã tạm thời gác phán quyết qua một bên. Nguyên nhân là Manila đã bị Bắc Kinh dọa sẽ cắt các quan hệ kinh tế và thương mại nếu đòi hỏi TQ thực thi phán quyết. Ngoài ra, khi các tàu cá Philippines bị TQ xua đuổi, thậm chí đâm chìm thì chính quyền Manila nhiều lần làm lơ.

Trung Quốc sẽ phải chịu “phản ứng dây chuyền”

. Tâm lý chiến của TQ có nhược điểm không?

+ GS Ngô Vĩnh Long: Có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, dù việc “lấy thịt đè người” có thể làm cho lãnh đạo một vài nước nhỏ sợ nếu có chiến tranh thì họ không đủ sức đương đầu với TQ nhưng công luận ở nhiều nước khác đã rất phẫn nộ trước sự bành trướng rất lộ liễu của Bắc Kinh. Nhược điểm thứ hai là việc bất chấp luật pháp quốc tế mà TQ đã ký kết để hòng “bình thiên hạ” theo khái niệm “bạo lực là đúng” thì trước sau gì cũng sẽ có phản ứng dây chuyền trên thế giới chống lại.

+ TS Nguyễn Thành Trung: Tôi cũng thấy tâm lý chiến của TQ có nhược điểm. Thứ nhất, TQ dùng tâm lý chiến để bảo vệ những quan điểm sai trái của chủ quyền về biển Đông. Vì vậy, các hành động tâm lý chiến sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án. Hậu quả là uy tín TQ sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tâm lý chiến TQ hiện nay vẫn mang tính tác chiến, tức là tùy vào trường hợp cụ thể mà chưa có chiến lược rõ ràng. Do đó nếu cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng chỉ trích hành vi “ăn hiếp” các nước nhỏ của TQ thì nước này sẽ rối trí. Dù vậy, cộng đồng quốc tế hiện cũng khá chia rẽ do sự ảnh hưởng kinh tế của TQ.

ĐỐI SÁCH

Cần có cơ quan điều phối phản ứng lại Trung Quốc

Nếu chúng ta biết được bản chất của tâm lý chiến của TQ chỉ là dọa nạt hay chiến thuật “ru ngủ” để chúng ta tin vào luận điệu của TQ thì chúng ta phải luôn mạnh mẽ đáp trả các hành động tâm lý chiến của họ. Ngoài ra, chúng ta cần có một cơ quan để điều phối các hoạt động phản ứng lại tam chủng chiến pháp, trong đó có tâm lý chiến của TQ. Cơ quan này có thể chủ động phối hợp với cộng đồng quốc tế để tránh bị TQ áp đảo.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNGTrung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS)

Dùng luật quốc tế, đánh động dư luận quốc tế

TQ có lớn mấy đi chăng nữa mà bị thế giới lên án thì cũng khó có thể đạt tham vọng bá quyền. Việt Nam và các nước ven biển Đông nên dựa vào UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài để bảo vệ quyền lợi của nước mình nói chung và ngư dân nói riêng. Ví dụ, phán quyết Tòa Trọng tài khẳng định ngư dân ở các nước ven biển Đông có quyền đánh bắt truyền thống ở bất cứ nơi nào thì TQ không có quyền cấm họ hành nghề truyền thống, không có quyền dùng tàu đánh cá hiện đại để vét sạch hải sản ở biển Đông.

Mỗi khi tàu TQ xua đuổi hay va chạm phi pháp các thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam, chính phủ Việt Nam nên lên tiếng lấy ý kiến tòa về Luật Biển. Đây không phải là việc kiện mới mà là lấy ý kiến giải thích về các hành động của TQ, từ đó vận động sự ủng hộ của nhân dân trên thế giới trong việc làm cho TQ phải chùn chân.

GS NGÔ VĨNH LONGĐH Maine (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm