Bắt chín sà lan khai thác cát lậu

Lúc 9 giờ sáng 29-12, thực hiện chuyên án, khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49, cơ quan thường trực phía Nam), Thủy đoàn 3 - Cục Cảnh sát đường thủy (C68, Bộ Công an), Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt giữ chín sà lan đang khai thác cát trái phép tại khu vực biển Cồn Ngựa (thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giáp ranh biển huyện Cần Giờ, TP.HCM). Công an cũng đã tạm giữ khoảng 50 công nhân, tài công trên các sà lan để làm rõ.

Cồn Ngựa là khu vực cát tốt và là điểm ngắm của những người khai thác cát trái phép. Theo cơ quan chức năng, hằng ngày tại đây có khoảng 15-17 sà lan hút cát trái phép, hoạt động trong vòng bán kính 2 km. Mỗi tàu có 4-5 công nhân, trọng tải sà lan 700-1.200 tấn, gồm ba khoang chứa cát. Những sà lan hoạt động cả ngày đêm, nếu hút cát liên tục trong thời gian 4-5 tiếng đồng hồ sẽ hút được khoảng 800 m3 cát. Trung bình một sà lan khai thác được khoảng 800 m3/ngày, thu lợi hơn 30 triệu đồng.

Các sà lan bị bắt giữ, đưa về neo đậu tại khu vực ven bờ phường 12, TP Vũng Tàu để điều tra. Ảnh: TK

Chiều tối 29-12, Đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng C49, phụ trách cơ quan thường trực phía Nam, cho biết: Sau khi thành lập chuyên án, Cục đã phát hiện một số tàu thường xuyên lui tới khu vực Cồn Ngựa để khai thác cát trái phép. Các đối tượng hoạt động hết sức tinh vi, có người cảnh giới. “Nếu xuất phát công khai sẽ thông báo ngay với các tàu khai thác. Tôi đã chỉ đạo anh em dùng biện pháp nghiệp vụ để có thể tiếp cận được các tàu trên. Sáng nay, khi đến gần khu vực khai thác, các lực lượng với trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ đã đồng loạt tiếp cận tàu và bắt giữ cả chín tàu trong điều kiện thời tiết gió lớn” - Đại tá Linh cho biết.

Theo Đại tá Linh, Cục đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế xác minh một công ty được cho là đầu nậu đứng đằng sau việc khai thác cát trên. Tuy nhiên, đây lại là công ty ma. Bước đầu xác định công ty ma này đứng ra ký khống hợp đồng với một mỏ cát tại Tiền Giang để mua cát san lấp đưa đi các công trình. Mỏ cát có giấy phép hoạt động. Sau đó công ty ma trên ký hợp đồng với các sà lan chuyển cát từ mỏ cát ở Tiền Giang chuyển về các dự án. Nhưng thực chất là các sà lan đã khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa. Khi kiểm tra hóa đơn, công ty ma trên xuất trình hóa đơn của mỏ cát ở Tiền Giang.

“Việc khai thác cát ở khu vực biển Cồn Ngựa sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Vì cát mặn, khi mang đi san lấp tại các công trình xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình. Ngoài ra, cát còn được mang bán cho các cửa hàng bán vật liệu xây dựng để trộn lẫn với các loại cát xây dựng khác. Vùng Cồn Ngựa nước xoáy nếu cát bị rút đi sẽ làm thay đổi dòng chảy, rút đất cát trong bờ ra bồi đắp dẫn tới sạt lở bờ, mất đất. Vụ việc cũng như đầu nậu đứng sau việc khai thác sẽ được Cục C49 phối hợp cùng Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trực tiếp điều tra, xử lý nghiêm” - Đại tá Linh khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm