Bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai

Nhằm trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học, đưa ra chính sách, giải pháp quản lý bền vững tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã tổ chức hội thảo Hướng đến quản lý thích ứng tài nguyên nước tại lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu giữa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Wageningen, Hà Lan với sự tham gia của các chuyên gia môi trường Việt Nam và Hà Lan.

Khai thác thủy điện ồ ạt

Việt Nam có 2.372 dòng sông, với chiều dài trên 10 km, 14 dòng sông có diện tích lưu vực trên 10.000 km2. Tính đến những năm 80 của thế kỷ trước, các dòng sông lớn vẫn giữ được nét sinh thái tự nhiên. Hơn hai thập kỷ trôi qua, đến nay, tình hình đã thay đổi mạnh mẽ, nguồn lợi về thủy điện cũng bắt đầu được khai thác với mức độ ồ ạt. Lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động bậc nhất của nước ta. Đây cũng là nguồn cung cấp nước chính cho phát triển nông nghiệp trong lưu vực và các vùng liên quan với tổng diện tích cần tưới khoảng 1,85 triệu ha. Nguồn cung cấp nước chính cho phát triển công nghiệp và dân sinh với tổng lượng khoảng hơn 2 triệu m3/ngày.

Bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai ảnh 1

Lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai đang chịu nhiều áp lực suy thoái, cạn kiệt do sử dụng quá mức và ô nhiễm. Ảnh: NGỌC CHÂU

Khu vực này có mật độ khu công nghiệp dày đặc, đô thị hóa cao, tài nguyên nước vào loại trung bình so với cả nước. Do vậy, đã chịu nhiều áp lực suy thoái, cạn kiệt do sử dụng quá mức và ô nhiễm. Với sự phát triển kinh tế, dân số, nhu cầu nước sẽ càng tăng nhiều hơn trong tương lai. Sự phát triển thủy điện trong lưu vực sông Đồng Nai mang lại nhiều thách thức lớn. Theo TS Đào Trọng Từ, Trung tâm Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, điều này làm tác động đến sinh thái, môi trường lưu vực sông như mất rừng; mất đất màu mỡ ven sông; mất môi trường sống cho nhiều loài động vật, thực vật; mất đường di cư cá, làm mất nhiều giống cá tự nhiên. Thay đổi điều kiện dòng chảy tự nhiên xuống hạ lưu tạo dòng chảy lững lờ, tác động đến môi trường nước do tích lũy vật chất phân hủy trong hồ chứa hoạt động khu vực lòng hồ. Đồng thời, nó cũng tác động đến văn hóa cộng đồng, xã hội, sinh kế của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống thủy điện góp phần bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực; tăng thu nhập cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm; hình thành các tiểu vùng khí hậu nhờ tạo nên diện tích mặt thoáng lớn cho vùng nước đập… Ở mức độ khác nhau, phát triển thủy điện tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước, tài nguyên liên quan của một dòng sông và vùng đầu nguồn. Tác động đến môi trường sinh thái của lưu vực sông và cuộc sống của con người gắn liền với sông, rộng hơn là một vùng của một quốc gia.

Tồn tại nhiều bất cập

Trên thực tế, nhiều nơi lâm vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô. Thậm chí nếu đủ nước nhưng chất lượng nước cũng không đảm bảo cho nhu cầu sử dụng. Các vùng ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Ninh Thuận đang gặp khó khăn lớn về nước mặt cả về lượng và chất. Một số vùng thuộc Tây Ninh, Long An, TP.HCM tuy có lượng nước tương đối đảm bảo nhưng việc sử dụng nước đang gặp phải những khó khăn do vấn đề nhiễm phèn, mặn. Dự báo đến năm 2020, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho toàn bộ các tỉnh, thành lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là khó tránh khỏi.

Sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện ở Việt Nam và lưu vực sông Đồng Nai trong những năm qua đặt tài nguyên nước, hệ thống sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam trong tình trạng báo động. Vấn đề này tập trung vào hai yếu tố là cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục. Công tác quản lý tài nguyên nước vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiệm vụ quản lý còn nhiều bất cập, chồng chéo và chưa rõ ràng giữa các cơ quan quản lý các cấp có liên quan.

Theo TS Đào Trọng Từ, hiện nay chưa có một nhạc trưởng trong công tác quản lý tài nguyên nước cho toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai. Đặc biệt, nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông bất cập. Ở các địa phương, nguồn lực phục vụ cho công tác này còn mỏng và trình độ chuyên môn chưa cao. Phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý còn khá khiêm tốn. Ông Đỗ Đức Dũng, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết năm vấn đề chúng ta cần ưu tiên chú ý trên lưu vực sông Đồng Nai. Đó là ô nhiễm nguồn nước, hạn hán mùa khô, quản lý tài nguyên nước còn hạn chế, khai thác nước ngầm quá mức và lũ lụt trong mùa mưa.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm