Bảo vệ cơ sở dữ liệu cá nhân vẫn là khâu yếu

Sáng 12-2, Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Đây là hội nghị trực tuyến lần thứ ba được tổ chức sau gần 18 tháng thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu làm tốt chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa nCoV (COVID-19), bởi hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã ứng dụng chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Cũng theo Thủ tướng, chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được mà chia thành nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch nCoV (COVID-19). Ông đề nghị cần có định hướng rõ nhằm triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cũng truyền đi thông điệp: “Không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn”.

Theo Thủ tướng, xây dựng chính phủ điện tử là một việc lớn mà “việc lớn thì phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động cả hệ thống vào cuộc thì mới thành công”. Ông lý giải xây dựng chính phủ điện tử thì yếu tố con người, thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ. 

Thủ tướng đánh giá chúng ta đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%). 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; đã liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện.

Việc tuyên bố các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chính phủ điện tử. 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Lý giải về nguyên nhân, Thủ tướng đánh giá cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm. Một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm. Nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”. 

Về định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hiện nay mới đạt 10,7%). 

Thủ tướng yêu cầu việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho chính phủ điện tử.

Cụ thể, trong năm 2020, phải ban hành được các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nghị định thay thế về công tác văn thư, nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân. Đây cũng là năm chúng ta chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ. 

Với yêu cầu hoàn thiện các yếu tố nền tảng của chính phủ điện tử, Thủ tướng nhấn mạnh ba mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng. 

Về bảo đảm nguồn tài chính cho chính phủ điện tử, Thủ tướng giao Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I-2020.

“Dù là CSGT hay tổng cục trưởng, vụ trưởng... người đứng đầu nói chung cũng phải am hiểu và triển khai chính phủ điện tử” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo thống kê, từ thời điểm 9-12-2019 khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khai trương cổng dịch vụ công quốc gia đến nay, đã có hơn 47.300 tài khoản đăng ký trên cổng; hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái.

Đến thời điểm này đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia. 

Sau 11 tháng hoạt động, đến ngày 10-2-2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm