Bão số 9 giật cấp 12 hướng thẳng vào Nam Trung bộ

Theo đó, hồi 14 giờ, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Hướng đi của cơn bão số 9 trong những ngày tới.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 23-11, bão cách bờ biển các tỉnh Nam Trung bộ khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180 km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh.

Cũng theo dự báo, trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Đến 13 giờ ngày 25-11, vị trí tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Nam Trung bộ-Nam Tây Nguyên.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng về hướng, bão sẽ đi thẳng vào khu vực Nam Trung bộ. Đây là nhận định được nhiều cơ quan dự báo quốc tế đưa ra, đáng chú ý đây là khu vực không thường xuyên xảy ra mưa bão.

Vì vậy, công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra, đặc biệt là các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa bão.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao cảnh giác, chuẩn bị nghiêm túc các phương án ứng phó. Đồng thời, yêu cầu một số bộ, ngành liên quan sớm cử các đoàn công tác, chủ động phối hợp với địa phương triển khai tốt phương án bảo vệ an toàn các công trình hồ đập, các công trình hạ tầng, nhà ở của người dân theo phương châm bốn tại chỗ.

“Trước hết phải chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, vật tư. Chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó. Yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người dân, không để tàu thuyền nào trên biển trong khu vực nguy hiểm; không để người dân còn trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương rà soát lại, chủ động sơ tán, đảm bảo không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra ngập úng hay sạt lở, trong các công trình, nhà xuống cấp, kém chất lượng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm