Bão số 6 đang nằm trên vùng biển Quảng Nam - Bình Định

Sáng 11-10, thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (TTKTTVQG), cho biết áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 6.

Bão đã ảnh hưởng đến đất liền

Vào lúc 8 giờ, bão số 6 đang nằm trên vùng biển Quảng Nam - Bình Định, cách bờ khoảng 30-50 km, vùng mây trước bão đã ảnh hưởng đến đất liền.

Hiện tại trên đất liền của tỉnh Quảng Ngãi đã có gió cấp 4, giật cấp 6; trên đảo Lý Sơn gió cấp 8, giật cấp 9 (mạnh nhất 24.3 m/s vào lúc 7 giờ 30). Quảng Nam có gió cấp 3, giật cấp 6 (Hội An lớn nhất 12.8 m/s, 7 giờ45). Còn tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng gió giật mạnh nhất là 10.8 m/s.

Bão số 6 đang nằm trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Ảnh: VNDMS

Như vậy trong sáng nay bão số 6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Quảng Nam - Bình Định, trọng tâm là Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Thừa Thiên - Huế ít có khả năng ảnh hưởng gió mạnh do bão, tuy nhiên do nằm trong dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh và kéo dài (có thể còn có các cơn bão và ATNĐ tiếp theo được hình thành) nên diễn biến mưa còn hết sức phức tạp và kéo dài.

Trước đó, vào 4 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão cách Quảng Nam khoảng 240 km, cách Quảng Ngãi khoảng 180 km, cách Bình Định khoảng 170 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão. 

Cũng theo TTKTTVQG dự báo trước đó, vào 16 giờ chiều nay, 11-10, tâm bão ở ngay trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 12-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam Lào.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng cao 3-5m, biển động rất mạnh. Ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 2-4 m; biển động rất mạnh. Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có khả năng nước dâng do bão cao tới 0,5 m.

Trên đất liền các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng đất liền ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; ở Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở Quảng Trị, Phú Yên có gió giật mạnh cấp 6-7.

Từ nay đến ngày 13-10, ở các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 500-700mm, có nơi trên 700mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400-600mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300-500mm. Ở Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200-300mm.

20 người chết và mất tích do mưa lũ ở Trung bộ

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến 22 giờ ngày 10-10, mưa lũ tại miền Trung đã khiến 9 người chết và 11 người mất tích, 7 người bị thương.

Mưa lũ ở Trung bộ trong bốn ngày qua khiến nhiều khu vực ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: CTV

Về nhà ở, mưa lũ làm hơn 33.000 ngôi nhà bị thiệt hại, nhiều đoạn đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở, ngập lụt, gây ách tắc giao thông.

Về tàu thuyền, đã có sáu tàu vận tải bị sự cố tại Quảng Trị, trong đó có ba tàu bị chìm, gồm Tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 Cửa Việt, trên tàu có năm người, ba người đã được tàu Vietship 1 cứu, đưa lên tàu, còn 2 người (Trương Công Hậu và Lê Quốc Cường) đang mất tích;

Tàu Thanh Thành Đạt 55 bị chìm tại phao số 0, Cửa Việt, Quảng Trị gồm 11 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn; Tàu Vietship 9 bị chìm ở vùng biển Quảng Trị, bốn người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.

Có 2 tàu bị mắc cạn là tàu Vietship 1 có 10 thuyền viên mắc cạn cách cảng Cửa Việt khoảng 1,0km, hai người đã bơi vào bờ an toàn; tám người còn mắc kẹt trên tàu đã được cứu an toàn vào chiều 10-10. Tàu Hoàng Tuấn 26, gồm 12 thuyền viên, mắc cạn tại vùng biển Gio Linh, hiện vẫn giữ được liên lạc.

Có một tàu bị hư hỏng, trôi dạt là tàu Thanh Thành Đạt 68, gồm 15 thuyền viên, hiện thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km.

Về nông nghiệp, có hơn 224ha lúa, hơn 2.000 ha hoa màu, gần 900ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại. Ngoài ra còn có gần 260 con gia súc, hơn 58.000 con gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi.

Về giáo dục, 42 điểm trường bị ngập, hơn 9.000m đường bờ biển bị sạt lở.

Họp khẩn ứng phó bão số 6

Trong khi mưa lũ lớn ở miền Trung vẫn đang diễn biến phức tạp thì chiều nay, 11-10, bão số 6 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, lo ngại tính tổn thương của khu vực Trung và Nam Trung bộ sẽ tiếp tục tăng lên.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ lớn, sáng nay, 11-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để triển khai công tác ứng phó.

Mực nước tại trạm thủy văn Đông Hà đã vượt lũ lịch sử năm 1983. Ảnh: CTV

Trước đó, chiều 10-10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo) cũng ban hành công điện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, các cơ quan, ban, bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai khắc nghiệt này.

Cụ thể, đối với tuyến biển và ven bờ, Ban chỉ đạo yêu cầu theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão để thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Tập trung chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên tàu Vietship 01 gặp nạn tại vùng biển Quảng Trị tránh gặp nguy hiểm do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đảm bảo an toàn. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.

Đối với tuyến đất liền, Ban chỉ đạo yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin cho các thuê bao vùng bị ngập lũ, các vùng có nguy cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm