Bão số 2 giật cấp 14 trên biển Đông

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào hồi 16 giờ ngày 1-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ vĩ Bắc; 117,1 độ kinh Đông, cách Hong Kong khoảng 320 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135 km/giờ), giật cấp 14-15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,6 độ vĩ Bắc; 111,5 độ kinh Đông trên đất liền tỉnh Quảng Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135 km/giờ), giật cấp 13-14.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết vùng biển phía bắc biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-11, giật cấp 12-13, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

 Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135 km/giờ), giật cấp 13-14. Ảnh: NCHMF

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 3-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 24,4 độ vĩ Bắc; 107,4 độ kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9.

Tại khu vực bắc vịnh Bắc Bộ từ chiều tối 2-8 gió giật mạnh cấp 7-8. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Từ đêm 2-8, ở phía đông Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng khu Đông Bắc có nơi mưa to đến rất to; sau đó mưa lan dần ra toàn Bắc Bộ, riêng vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to (100-200 mm).

Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Trong khi đó tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to.

Trong ngày 1-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện gửi các địa phương, bộ, ngành thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, có biện pháp phòng tránh phù hợp. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo biên phòng tuyến biển thông báo, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn không đi vào khu vực nguy hiểm.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết bão Nida là cơn bão thứ hai ở biển Đông, trước đó vài ngày là cơn bão đầu tiên Mirinae được hình thành sáng 26-7, đổ bộ các tỉnh Thái Bình - Ninh Bình và ảnh hưởng trực tiếp từ nam Quảng Ninh đến bắc Thanh Hóa, tuy nhiên Mirinae bão có cường độ không lớn nhưng gây thiệt hại cho các địa phương.

Trước đó, vào chiều 30-7, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai cho biết thiệt hại của địa phương là hơn 3.400 tỉ đồng. Bão Mirinae khiến bốn người chết, ba người mất tích và 21 người bị thương, 88 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 32.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng 17.000 cột điện bị gãy đổ và hơn 61.000 ha rau màu bị hư hại, 39.000 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị đổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm