Bảo mẫu đạp chết trẻ bị 18 năm tù

Ngày 30-5, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Nhờ 18 năm tù về tội giết người. Tòa buộc bị cáo cùng với gia đình liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân 100 triệu đồng.

Đây là vụ án gây xôn xao dư luận khiến những bậc cha mẹ có con nhỏ đang tuổi nhà trẻ đau thắt lòng.

“Tao ném luôn bây giờ”

Theo cáo trạng, tháng 7-2012, chị Võ Thị Huyền (25 tuổi, quê Nghệ An) thấy Nhờ (trọ tại quận Thủ Đức, TP.HCM) ở nhà giữ con nhỏ nên đã gửi con là cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi) cho Nhờ trông nom với thỏa thuận 1,5 triệu đồng/tháng.

Sáng 16-11-2013, chị Huyền đưa con trai đến gửi cho Nhờ để đi làm như thường lệ. Nhờ cho cháu Long ăn sáng nhưng cháu cứ khóc hoài. Nhờ bế cháu Long đưa lên cao (cách mặt đất khoảng 80 cm) rồi hét lớn: “Tao ném luôn bây giờ, nói không nghe gì hết!” nhưng bị tuột tay làm cháu Long rơi xuống đất. Cháu Long càng khóc thét. Nhờ dùng chân đạp liên tiếp hai cái trúng vào ngực và bụng của cháu. Sau đó Nhờ chốt cửa rồi đi vệ sinh. Khi quay lại, Nhờ thấy cháu Long nằm bất động nên làm động tác sơ cấp cứu nhưng không thấy cháu tỉnh lại. Nhờ chạy ra ngoài nhờ hàng xóm chở đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trước khi nhập viện.

Bị cáo Nhờ khóc suốt quá trình xét xử và luôn tỏ ra hối hận. Ảnh: X.NGỌC

Theo kết quả giám định, cháu Long chết do bị đa chấn thương: Vỡ tim, vỡ gan, tràn máu màng phổi, dập phổi, tràn máu màng tim…

Tại tòa, Nhờ khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình giống như tại cơ quan điều tra. Nhờ thừa nhận mình chưa được qua trường lớp đào tạo về kỹ năng chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi và cũng không có giấy phép.

Quá nhẫn tâm!

Trong suốt phiên tòa, Nhờ luôn khóc và tỏ ra rất hối hận. Tòa phải liên tục nhắc bị cáo phải bình tĩnh trả lời vào trọng tâm câu hỏi. Tòa hỏi: “Bị cáo tuột tay để cháu Long té, nếu một người bình thường thì bị cáo phải nâng cháu đứng dậy xem có sao hay không. Đằng này bị cáo lại dùng sức lực đạp mạnh vào người cháu bé mới 18 tháng tuổi. Bị cáo có nghĩ mình nhẫn tâm lắm không?”. Nhờ không trả lời mà chỉ khóc.

“Vậy bị cáo có thương con mình không?” - tòa lại hỏi. Nhờ đáp: “Dạ có!”. “Vậy sao lại đạp cháu Long như thế? Bị cáo không hề có tình thương đối với trẻ thì sao lại trông trẻ?”. Nhờ tiếp tục khóc.

Tại tòa, mẹ cháu Long chỉ yêu cầu tòa xử đúng theo pháp luật và yêu cầu bị cáo phải bồi thường 100 triệu đồng tiền mai táng và tổn thất tinh thần.

HĐXX hỏi mẹ bị cáo có chia sẻ gì với gia đình nạn nhân không. Mẹ bị cáo Nhờ nói: “Tôi có biết gì đâu mà chia sẻ, tôi nghèo quá!”. Chủ tọa: “Năm nay bà 60 tuổi rồi mà bảo không biết gì đâu. Đến thăm gia đình người ta một tí không được sao? Bà trả lời một cách vô trách nhiệm...”.

Bị cáo Nhờ chấp nhận bồi thường 100 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. “Cha mẹ bị cáo có nhà, đất ở dưới quê, bị cáo sẽ nói mẹ bán để bồi thường cho gia đình nạn nhân. Bị cáo thành thật xin lỗi gia đình cháu Long!” - Nhờ quay xuống cúi đầu xin lỗi.

Trong giấy khai sinh (khai trễ hạn) thể hiện Nhờ sinh năm 1995. Trong khi đó, kết quả giám định nói bị cáo ở độ tuổi 20-23. Theo tòa, kết luận giám định pháp y như vậy là không chính xác, vì vậy tòa căn cứ vào giấy khai sinh và xác định thời điểm phạm tội bị cáo vẫn ở tuổi chưa thành niên.

Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo 18 năm tù. Theo tòa, bị cáo không dành tình thương yêu cho trẻ mà còn dùng chân đạp mạnh vào bụng và ngực của cháu trong khi cháu nằm khóc ở sàn nhà.

Chỉ tới khi cháu đau đớn không cử động, trào thức ăn qua miệng thì bị cáo mới sơ cấp cứu và nhờ người đưa đi bệnh viện. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với người làm chứng, khám nghiệm hiện trường... Từ đó, tòa phạt bị cáo 18 năm tù.

NGÂN NGA - XUÂN NGỌC

 

Cần quan tâm tới giáo dục tư thục mầm non

Tại tòa, đại diện VKS kiến nghị ngành giáo dục mầm non cần phải có những quy định nghiêm khắc trong việc trông giữ trẻ và phải có biện pháp chế tài nếu vi phạm. Đồng thời, VKS kiến nghị các khu công nghiệp, nhà máy phải có chỗ trông giữ trẻ để công nhân an tâm làm việc. “Ở Thủ Đức, tới thời điểm này đã có tới hai vụ án liên quan tới bảo mẫu trông trẻ bị xét xử là rất đau lòng!” - kiểm sát viên nói.

Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Nguyễn Văn Hà nói thêm: “Chính quyền các địa phương cần quan tâm tới giáo dục tư thục mầm non hơn nữa. Đa số công nhân họ đều ở tỉnh lên, đời sống còn thiếu thốn. Họ khó gửi con ở trường công vì đăng ký khó khăn nên họ phải gửi ở ngoài. Dù biết không đảm bảo nhưng họ vẫn không còn cách nào khác”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm