Bão kết hợp triều cường, TP.HCM ảnh hưởng thế nào?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Dự kiến trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 5, hướng thẳng vào Nam Trung bộ, gây mưa lớn diện rộng.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: AT

Đặc biệt, cơn ATNĐ, bão này hình thành khi chịu tác động của nhiều hình thế thời tiết cực đoan như không khí lạnh gây mưa lớn, kết hợp với triều cường khiến nhiều người lo ngại.

PLO đã có cuộc trao đổi với ông MAI VĂN KHIÊM, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, về mức độ ảnh hưởng của cơn bão này.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về cơn ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 5 đang hướng vào các tỉnh Nam Trung bộ được hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với những hình thế thiên tai khác gây cực đoan là như thế nào?

+ Ông Mai Văn Khiêm: Chúng ta đều biết do sự chuyển động của mặt trời thì luôn luôn có mùa đông, mùa hè. Đồng thời, phía bắc bán cầu và nam bán cầu luôn luôn có một vùng gió hội tụ ở giữa. Do vậy vào mùa hè, dải hội tụ nhiệt đới dịch chuyển dần từ phía bắc, đến mùa đông thì dịch chuyển sang nam bán cầu.

Vùng hội tụ đó gọi là vùng thời tiết xấu, luôn gây mưa. Mặt khác, trong vùng hội tụ có hệ thống đối lưu phát triển tạo ra những xoáy lớn thành ATNĐ và bão. ATNĐ, bão khi kết hợp với những hệ thống khác tác động vào khiến cường độ của những cơn ATNĐ, bão này càng mạnh hơn.

Đây là hình thế thời tiết rất đặc biệt, đặc trưng cho sự kết hợp của rất nhiều hình thế thời tiết với nhau. Đầu tiên là việc hình thành cơn ATNĐ, thứ hai là cơn này hình thành ngay trên dải hội tụ nhiệt đới, đây là vùng thấp có nhiều điều kiện để làm tăng cường độ phát triển của ATNĐ mạnh lên thành bão và còn mạnh thêm. Cạnh đó, việc kết hợp với không khí lạnh tạo ra hình thế rất nguy hiểm gây mưa cho cả khu vực miền Trung do yếu tố địa hình.

. Ông có lưu ý gì đối với người dân trước cơn ATNĐ có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 5?

+ Khu vực miền Trung đang vào mùa mưa bão. Trong mùa mưa bão năm nay, cơn ATNĐ này là cơn đầu tiên đổ về phía Nam Trung bộ nên người dân cần hết sức lưu ý trong công tác phòng chống. Dự kiến từ sáng mai ATNĐ mạnh lên thành bão sẽ gây mưa trên diện rộng, kéo dài đến ngày 31-10.

Tuy nhiên, hết cơn ATNĐ này sẽ vẫn tồn tại dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh duy trì nên đợt mưa này vẫn kéo dài và mở rộng từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận.

Có thể nói đợt mưa này vừa lớn, vừa kéo dài, vừa rộng từ miền Trung đến Tây Nguyên nên người dân cần đề phòng lũ, ngập lụt, sạt lở đất, nhất là khi đặc trưng khu vực miền Trung nước ta dòng sông dốc và ngắn. Đồng thời ATNĐ, bão cũng gây gió mạnh nên cần đề phòng công tác phát triển kinh tế, du lịch ven bờ.

. Hiện ở TP.HCM đang chịu ảnh hưởng của triều cường, vậy khi ATNĐ mạnh lên thành bão đổ bộ vào Nam Trung bộ thì thành phố này có chịu nhiều tác động không, thưa ông?

Dự kiến cơn ATNĐ, bão này khi đổ bộ sẽ kết hợp với nước dâng do triều cường nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực Trung bộ, đồng thời TP.HCM, Cần Thơ cũng chịu tác động của đợt triều cường này, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không mạnh.

Thời điểm này dựa trên những tính toán từ bản tin mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp thì khả năng mức độ ngập do triều cường vẫn ở mức khoảng 1,7 m.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy