Báo chí có trách nhiệm nặng nề bảo vệ cái tốt, loại bỏ cái xấu

Sáng 3-8, báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Báo chí góp phần lan tỏa những giá trị tích cực”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình họp mặt ba báo Đảng kết nghĩa năm 2019. Ba báo Đảng kết nghĩa gồm: Hà Nội Mới, Thừa Thiên-HuếSGGP.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền về người tốt, việc tốt tại buổi tọa đàm. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng biên tập báo Hà Nội Mới, cho rằng khi tuyên truyền về những cái tốt, cái tích cực không phải không có người đọc. Thực tế, các thông tin về cái tốt vẫn thu hút rất nhiều người đọc, vấn đề là viết sao cho hay và thuyết phục, tránh sáo mòn, thiếu cảm xúc, thiếu sẻ chia. Do vậy, viết về người tốt, việc tốt theo ông Long vẫn là điều rất khó viết.

“Bài viết về điển hình tích cực phải chặt chẽ, sinh động và thuyết phục. Ví dụ, khi viết về ông A làm việc tốt thì đơn thuần ông A chỉ kể về cách làm của mình, còn phần đánh giá thế nào, phóng viên phải gặp người khác để lấy ý kiến thẩm định, nhận xét. Không tự làm tự khen” - ông Long nói.
Ông Trương Diên Thống, Phó Tổng biên tập báo Thừa Thiên-Huế, cho rằng nhiều người thường đọc tin xấu, tin giật gân vì đó là bản chất tò mò của con người. Tuy nhiên, truyền thông nếu thiên về tiêu cực sẽ khiến bạn đọc, người dân sút giảm niềm tin. Mạng xã hội nếu chia sẻ tin xấu chẳng khác nào đi nhân lên những mảng tối trong cộng đồng.
Theo ông Thống, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ với nhiều thông tin thật giả lẫn lộn thì người cầm bút cần có trách nhiệm nặng nề để bảo vệ cái tốt, loại bỏ cái xấu.
“Muốn tìm thấy cái hay, cái tốt thì báo chí phải “đời” hơn, phải gần gũi hơn với cuộc sống, phải “tinh tường”, nhạy bén hơn để làm tốt sứ mệnh truyền thông và định hướng dư luận” - ông Thống nói và cho rằng thông tin về những giá trị tích cực, những tấm gương điển hình sẽ tạo thêm những hạt giống tử tế, tạo sức đề kháng cho niềm tin trong xã hội vốn đang bị lung lay.
Còn ông Phạm Trường, Phó Tổng biên tập báo SGGP, cho rằng trên cơ sở bám sát chủ trương, chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước, của TP.HCM, phóng viên của báo đã kịp thời đi sâu, đi sát vào cơ sở, phát hiện các đề tài, gương người tốt, việc tốt, các mô hình, sáng kiến trong cộng đồng và thông tin một cách nhanh chóng đến người đọc.
Ông Cao Xuân Phách, nguyên Tổng biên tập báo SGGP, băn khoăn là hiện nay nhiều người mất niềm tin vì còn có nhiều cái xấu, cái ác.
“Trong nghị quyết của Đảng cũng đã nói, một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái đạo đức, nghĩa là có, vì vậy báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền những cái tốt để điều chỉnh những cái lệch lạc trong xã hội” - ông Phách nói.
Theo ông Phách, báo chí hiện nay cần phải tích cực đánh cái ác, đánh cái tiêu cực, đánh tham nhũng. “Mỗi công cuộc đánh tham nhũng thành công trong bối cảnh hiện nay là giá trị nhân gấp đôi. Tựu trung lại, làm cho giá trị tốt đẹp lan tỏa hơn là rất cần thiết nhưng báo Đảng phải tham gia tích cực vào việc chống tiêu cực, chống suy thoái, có song hành hai mặt như vậy thì giá trị mới lan tỏa” - ông Phách đề nghị.
Tại buổi tọa đàm, báo SGGP đã phát động cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020). Cuộc thi nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt, việc tốt, các nhân tố mới trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Đối tượng là các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước.
Các tác phẩm dự thi có độ dài khoảng 1.700 chữ, chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Các thí sinh dự thi có cơ hội nhận giải thưởng lên đến 40 triệu đồng cùng một máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng và 15 giải thưởng giá trị khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm