Báo chí cần coi tổ chức xã hội là nguồn đáng tin cậy

“Báo chí cần coi các tổ chức xã hội (CSO) là một nguồn tin đáng tin cậy vì CSO thực hiện các hoạt động có mục tiêu xã hội, nhân văn, phi lợi nhuận”. Đó là một trong những quan điểm được đưa ra tại tọa đàm “Hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức xã hội và báo chí” diễn ra ngày 9-3, tại Hà Nội.

Các tổ chức xã hội và báo chí thảo luận về việc chia sẻ thông tin.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tương tác của các tổ chức xã hội với báo chí ở Việt Nam”.

Theo đó, phát triển quan điểm kể trên bà Nguyễn Điệp Hoa - chuyên gia tư vấn truyền thông cho rằng các CSO hình thành trên cơ sở các giá trị nhân văn; đại diện cho lợi ích của những nhóm thiệt thòi mà tiếng nói của họ chưa được lắng nghe trong xã hội; vận động, góp ý chính sách trên cơ sở nghiên cứu, bằng chứng, tham vấn nhóm bị tác động và các bên; gần người dân, hiểu sâu các vấn đề của người dân và các tác động của chính sách đối với người dân.

Tại hội thảo, một vấn đề được các diễn giả đặt ra đó chính là sự phối hợp về việc chia sẻ thông tin giữa các CSO và giới báo chí vẫn có nhiều khoảng cách. Báo chí chưa coi các CSO là một nguồn tin đáng tin cậy, bên cạnh đó cũng có tình trạng CSO than phiền về báo chí.

Về vấn đề này, đại diện các CSO cũng chia sẻ những khó khăn về tổ chức như việc thiếu kinh phí, thiếu nguồn nhân lực… “Thử thách của chúng tôi là làm sao để thông tin hấp dẫn, chúng tôi không có chuyên ngành viết lách hay đánh bóng tin hoạt động của tổ chức mình” - bà Hương Giang đến từ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) chia sẻ.

Về phía mình, nhiều nhà báo, phóng viên cũng cho rằng báo chí chưa khai thác hiệu quả thông tin từ các CSO có nguyên nhân từ việc các đơn vị này chưa tìm đúng kênh để truyền thông cho hoạt động của mình.

“Chúng tôi luôn luôn phải tìm chuyên gia, phải nhanh, phải cập nhật thời sự. Các tổ chức xã hội chưa đáp ứng được sự nhanh tuyệt đối. Chẳng qua cách đến với nhau chưa phù hợp mà thôi” - nhà báo Phạm Thị Hưng đến từ báo Thời Đại bày tỏ.

Ông Vũ Mạnh Cường (Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế) nêu quan điểm các nhà báo cần kể câu chuyện mà độc giả muốn nghe chứ không phải kể câu chuyện mà bạn muốn kể. Như đưa thân phận con người vào câu chuyện, cung cấp những chi tiết mà công chúng không có cơ hội tiếp cận; trích dẫn những người nổi tiếng có liên quan…

Còn theo bà Nguyễn Điệp Hoa, để tăng cường sự kết nối giữa báo chí và CSO, CSO cần hiểu rõ đặc điểm của báo chí, giúp báo chí hiểu về chính mình, nâng cao năng lực làm việc với báo chí, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí nhận biết vấn đề và mời báo chí tham gia lập kế hoạch cho những chiến dịch vận động chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm