Bán rừng ngân sách thấp hơn giá thành

Công ty do UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ sở hữu và có đến bốn đơn vị trực thuộc, được giao quản lý hơn 11.000 ha rừng. Đến năm 2010, rừng trồng do đơn vị này quản lý gần 9.000 ha. Tuy nhiên, rừng do đơn vị này xuất bán rất ít khi được đưa ra đấu giá theo quy định.

Trong hai năm 2010-2011, đơn vị này đã bán cho một công ty ở Đồng Nai gần 350 ha rừng 6-11 năm tuổi không qua đấu giá. Cụ thể với hợp đồng ký tháng 1-2010, bán gần 60 ha cây keo lai sáu năm tuổi tại khu vực Sông Móng, huyện Hàm Thuận Nam chỉ có giá 12,9 triệu đồng/ha rừng. Tương tự, tháng 6-2011, công ty bán cho một công ty ở Đồng Nai gần 120 ha rừng keo chín năm tuổi tại khu vực động cát Suối Nhum thuộc xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình cũng chỉ với giá 14 triệu đồng/ha.

Các hợp đồng này đều không thể hiện đã thuyết minh thiết kế khai thác và bản đồ khu khai thác để Sở NN&PTNT thẩm định thiết kế theo quy định. Rừng được bán thấp hơn so với giá mà UBND tỉnh Bình Thuận quy định về phương thức tiêu thụ gỗ rừng trồng có nguồn gốc vốn từ ngân sách.

Bán rừng ngân sách thấp hơn giá thành ảnh 1

Một góc rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: PN

Bán rừng ngân sách thấp hơn giá thành ảnh 2

Bán rừng ngân sách thấp hơn giá thành ảnh 3

Các hợp đồng bán rừng thấp hơn giá thành.

Với 110 ha rừng trồng theo Chương trình 327 và rừng trồng theo Chương trình 661 từ nguồn vốn quốc gia ở xã Hàm Cường, Hàm Mỹ thuộc huyện Hàm Thuận Nam, công ty cũng bán mà không thông qua đấu giá. Diện tích rừng này cũng chỉ bán với giá hơn 13 triệu đồng/ha.

Ông Mai Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết vì công ty bán rừng không thông qua quy chế đấu giá, không gửi thuyết minh thiết kế và bản đồ khai thác để Sở NN&PTNT thẩm định nên Sở không thể nắm được. Theo ông Mai Kiều, vấn đề này Sở Tài chính đã được phân cấp có trách nhiệm làm rõ.

Ngày 3-12, chúng tôi liên lạc với ông Tăng Việt Cường, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận, để trao đổi thông tin về việc bán rừng nêu trên, ông Cường nói: “Cảm ơn báo chí đã cung cấp thông tin về vụ việc, Sở sẽ cho lập đoàn thanh tra để kiểm tra ngay vụ việc”.

Sẽ đề nghị kiểm tra vì quá vô lý

Ông Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết việc bán gỗ rừng không qua đấu giá là đã sai quy định. Mặc dù vấn đề này không có trong nội dung chất vấn trong kỳ họp HĐND tỉnh khai mạc ngày 4-12 nhưng tôi sẽ chất vấn và yêu cầu giải trình làm rõ vấn đề này.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm