Ban Nội chính Trung ương sẽ chống tham nhũng mạnh hơn

Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) Trung ương đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung Quy định 163 năm 2013 của Bộ Chính trị - cơ sở vận hành của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương.

Lý do là sau hơn năm năm hoạt động theo mô hình mà Tổng Bí thư là trưởng ban, đến nay ban chỉ đạo thấy cần sửa đổi, bổ sung Quy định 163 để làm tốt hơn nhiệm vụ nặng nề mà nhân dân đặt nhiều kỳ vọng.

Theo thông tin Pháp Luật TP.HCM nắm được, một trong những vấn đề được đề xuất là cần làm rõ hơn loại vụ án, vụ việc mà Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý. Theo đó, không cần phải đợi khi đã rõ ràng là vụ/việc tham nhũng mà ngay từ khi có dấu hiệu thì ban đã có quyền đưa vào vòng ngắm nếu vụ/việc đó nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội quan tâm.

Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, hiện là phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Ảnh: NC

Tương tự như vậy, Ban Nội chính Trung ương với vai trò cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo và trưởng Ban Nội chính Trung ương với vai trò phó ban thường trực Ban chỉ đạo cũng có thẩm quyền, trách nhiệm rất lớn trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo, thường trực Ban chỉ đạo. Trong đó có thẩm quyền chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan đề xuất chủ trương, định hướng xử lý hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử vụ, việc cụ thể. Tuy nhiên, các thẩm quyền đó cũng mới nằm trong quy chế do Ban chỉ đạo ban hành, giờ cần đưa vào quy định của Bộ Chính trị.

Thực tiễn hoạt động của Ban chỉ đạo năm năm qua cho thấy vai trò của Ban Nội chính Trung ương là rất quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định 163 của Bộ Chính trị lần này, nhóm nghiên cứu đề xuất tăng cường thêm một phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm thành viên Ban chỉ đạo, thay vì chỉ có trưởng ban tham gia với tư cách phó ban thường trực. Vị ủy viên này sẽ giúp trưởng ban và phó ban thường trực một số công việc và trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.

Trên đây mới là một vài đề xuất ban đầu và đang tiếp tục được thảo luận, hoàn thiện trước khi báo cáo Ban chỉ đạo và trình Bộ Chính trị ban hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm