Bàn Luật Quy hoạch, Bộ KHĐT mong QH 'phân định lẽ phải'

Dù đã là lần thứ ba dự án Luật Quy hoạch được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH, phiên họp chiều 17-3) nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau ngay trong các thành viên của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) đã đề nghị QH phân định lẽ phải để không vì ý kiến khác của một bộ, ngành nào đó mà lại phải viết đi viết lại Luật Quy hoạch…

Vẫn còn bất đồng

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng dự thảo luật chưa làm rõ cách tích hợp các quy hoạch vào một quy hoạch chung, thời gian tích hợp bao lâu và tính khả thi, tác động trên thực tiễn của việc tích hợp này đối với điều hành phát triển kinh tế-xã hội...

“Như thế trên thực tiễn khó thực hiện. Và nếu theo quy định của luật này thì giải quyết vấn đề trên phải mất 7-8 năm” - ông Hà nói và lưu ý thêm quy hoạch xây dựng có tính đặc thù rất cao về khối lượng sản phẩm, hệ thống sản phẩm. Vì vậy, việc tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung là rất khó khăn. 

Cho ý kiến về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt vấn đề: “Bộ Xây dựng nói trong quy hoạch đô thị có tính đến quy hoạch chung trong đô thị, còn Bộ KH&ĐT nói quy hoạch đô thị nằm trong quy hoạch chung. Vậy cái nào đứng trong cái nào? Quy hoạch ngành của ta đang chồng chéo nhau, vậy xử lý thế nào để khớp nối điều hòa các vấn đề này với nhau”.

Trong phần giải trình, bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết thêm: “Thực tế Bộ Xây dựng muốn giữ lại quy hoạch xây dựng nhưng chúng tôi trong bảy năm nay đã tổ chức trên 30 cuộc hội thảo, trong đó mời các chuyên gia đầu ngành cả nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, đất đai, tài nguyên như Phạm Sỹ Liêm, Trần Trọng Hanh, Đặng Hùng Võ, Chu Hồi… Các chuyên gia đều nói phải thay đổi. Đó đều là những người đầu ngành trong các lĩnh vực trên, chúng ta phải lắng nghe chứ”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Luật Quy hoạch sẽ giải quyết sự chồng chéo, cục bộ,  lợi ích nhóm, chia rẽ, cát cứ của  các bộ, ngành, địa phương... Ảnh: TP

Cứ thay đổi thế này rất khó làm

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ: “Chúng tôi thẩm tra luật trên cơ sở Chính phủ trình, còn giữa các cơ quan của Chính phủ cứ thay đổi như thế này rất khó làm”.

Theo ông Thanh, trong quá trình làm Luật Quy hoạch, “ngành nào cũng xác định mình quan trọng” thì dẫn tới chồng chéo, thiếu đồng bộ thống nhất. “Đơn giản như khu Giảng Võ chẳng hạn, trước kia dân số ít nhưng giờ nhiều, bây giờ mà cho xây nhà cao tầng thì cấp nước, điện, giao thông không có đồng bộ. Cho nên phải có định hướng dẫn dắt cho quy hoạch ở cấp dưới” - ông Thanh dẫn chứng.

Bổ sung thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho hay kiến nghị của bộ trưởng Bộ Xây dựng không đúng với tinh thần cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 14-3 vừa qua. Tại cuộc họp đó, Thủ tướng đã thống nhất đưa quy hoạch xây dựng vào Điều 26 của dự thảo Luật Quy hoạch. Thế nhưng qua một hồi, không rõ lý do gì lại thay đổi, muốn đưa quy hoạch xây dựng vào Điều 12, nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

“Nếu đưa quy hoạch ngành vào quy hoạch quốc gia như vậy sẽ không đảm bảo tính tích hợp của Luật Quy hoạch, đảm bảo quyền lợi chung của quốc gia với quyền lợi của ngành, địa phương” - ông Kiên nói.

Theo đó, ông Kiên đề nghị nếu bên Chính phủ vẫn còn chưa thống nhất thì chỉ có thể áp dụng hai cách làm: Một là Chính phủ rút luật về, thảo luận thật kỹ, thống nhất cao thì trình; hai là nếu vẫn trình thì biểu quyết theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

Đâu là lẽ phải, cái đúng phải bảo vệ?

Giải trình tại phiên họp với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Luật Quy hoạch là cuộc cách mạng, thay đổi lớn, giải quyết những bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm, chia rẽ, cát cứ của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời luật cũng giúp công tác quy hoạch tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo ra tư duy, cách làm mới đảm bảo phát triển nhanh bền vững, khai thác được hết tiềm năng lợi thế của đất nước. Chính vì vậy việc chưa có sự đồng thuận là điều “bình thường thôi”.

“Nhưng đâu là lẽ phải, cái đúng phải bảo vệ? Đề nghị QH là cơ quan quyền lực cao nhất phải phân minh chuyện này một cách công tâm, để quyết định đúng nhất chứ không thể nào nghe một cơ quan, nghe một số ít để đi ngược lại xu thế của thời đại, ngược lại thực tiễn của đất nước. Cứ có một ý kiến khác mà chúng ta lại đi làm lại thì cái luật tiến bộ như thế này không bao giờ có thể hoàn thành được” - ông Dũng nói.

Theo bộ trưởng Bộ KH&ĐT, bộ, ngành nào cũng muốn quy hoạch của mình là quan trọng nhất, phải có trước, còn Bộ KH&ĐT thì quan niệm định hướng phát triển có trước, dẫn dắt tất cả.

“Chẳng hạn Bắc Ninh chủ trương đầu tư khu Samsung, từ đó mới có nhà ở, đô thị đi theo, không thì làm nhà ở ai ở, làm đường ai đi. Lần này chúng tôi muốn có một quy hoạch tổng thể, nhìn ra rất rõ, giao thông, đất đai, kênh mương… thế nào để không chồng lấn, chồng chéo lên nhau thì phải nằm trong một quy hoạch tổng thể” - ông Dũng nói.

Theo đó, ông Dũng đề nghị UBTVQH hoặc hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách (vào tháng 4-2017) trực tiếp nghe các chuyên gia đầu ngành nói về Luật Quy hoạch để “đúng thì tiếp thu, không đúng thì sửa”.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển kết luận: Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về dự luật, thậm chí ngay trong Chính phủ cũng chưa thống nhất cao. Cho nên giao cho Ủy ban Kinh tế nghiên cứu phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Chính phủ để tiếp thu giải trình. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại đại hội đại biểu QH chuyên trách sẽ diễn ra vào tháng 4-2017.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.