Bản án tù và tình cha con

Đã gần 10 năm qua nhưng vị chủ tọa vẫn nhớ như in phiên tòa năm ấy. Vị chủ tọa kể lại phiên xử diễn ra vào khoảng tháng 3-2002. Bị cáo chừng 22 tuổi, cao ráo, phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

1. Nội dung vụ án hết sức đơn giản, một ngày tháng 8-2001, H. chở cha đi ăn đám giỗ. Trên đường về, H. chạy xe qua đường và đâm chết một người. Ra trước tòa, H. thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi. Tuy nhiên, H. lại không biết nạn nhân mặc trang phục màu gì, nạn nhân đi qua đường theo hướng nào. Lý giải cho điều này, H. nại rằng do say xỉn nên không nhớ rõ.

Lý do này được KSV đồng tình và đề nghị tuyên bị cáo mức án từ 12 đến 18 tháng tù. Hai vị hội thẩm nhân dân cũng ký vào biên bản nghị án nhưng vị chủ tọa cứ day dứt mãi và quyết định dời thời gian tuyên án sang ngày hôm sau.

Tạm dừng phiên xử, vị chủ tọa gặp cha của bị cáo nói nhỏ: “Chẳng cha mẹ nào đành lòng thấy con lãnh án tù. Làm cha chắc anh buồn lắm?”. Nói rồi ông khẽ vỗ nhẹ vai người cha...

Bản án tù và tình cha con ảnh 1

2. “Dù rằng các tình tiết trong vụ án không mấy phức tạp, bị cáo cũng đã nhận tội nhưng không hiểu sao tôi cứ linh cảm thấy có điều gì uẩn khúc. Điều tôi thắc mắc nhất là H. gây án nhưng không biết người bị hại mặc áo màu gì và qua đường như thế nào, còn cha bị cáo lại nói rất rành rọt, thêm nữa tại sao biết rõ H. say rượu nhưng cha của H. không thay con cầm lái trong khi ông vẫn còn phong độ” - vị chủ tọa kể.

Chiều hôm đó, ông cứ suy đi tính lại và nhờ thư ký gọi điện thoại gặp trực tiếp cha của H. an ủi vài lời và nhắc ngày mai 8 giờ lên nghe tuyên án.

Thế nhưng vào buổi tối, khi đang chuẩn bị bữa cơm cùng gia đình thì cha của H. tới gặp ông.

Dù không chờ đợi vị khách này nhưng như có linh cảm rằng người cha này sẽ tới nên ông cứ nôn nao chờ. Mời khách vào phòng làm việc, ông tiếp chuyện bằng một lời an ủi: “Cha mẹ nào cũng thương yêu con, không ai đành lòng thấy con phải ở tù nhưng làm thì phải chịu anh ạ”. Câu nói chưa kịp ngắt thì ánh mắt người đàn ông kia đã đỏ hoe, ông nắm vội tay vị chủ tọa: “Tại tôi, tôi mới là người điều khiển xe và gây án mạng”.

Nắm bàn tay thô ráp của người cha này, vị chủ tọa hỏi: “H. quá say nên anh cầm lái thay cháu?”. Gật đầu, cha của H. kể lại sự tình, do H. quá say nên ông đã thay con cầm lái. Tuy nhiên, sau khi vụ án bị phát hiện, H. một mực đòi ra đầu thú và thuyết phục cha: “Con có bằng lái, con là chủ xe nên sẽ nhẹ án hơn, có chăng con chỉ bị dăm ba tháng tù treo. Nếu cha ra đầu thú thì con cũng phải chịu án tù vì đã giao xe cho cha”. Nghe theo, ông đồng ý cho H. ra đầu thú. Tuy nhiên, một thời gian sau, ông đòi ra đầu thú, lúc này H. lại dọa: “Nếu cha ra đầu thú, con cũng sẽ bị tù về tội khai báo gian dối”.

Nghe vậy, người cha một lần nữa lặng im để con nhận án thay. Đến khi nghe những câu nói động viên của vị chủ tọa và cuộc điện thoại của người thư ký, ông đã không cầm được nước mắt và tới thú nhận tất cả.

3. Vụ án được sáng tỏ, trước ngày diễn ra phiên xử người cha, H. và mẹ đến phòng làm việc và xin được trò chuyện với vị chủ tọa. Mở đầu câu chuyện H. nói: “Cha cháu là người cha có trách nhiệm”. Nói rồi H. khóc.

H. mồ côi, được cha mẹ đón về làm con nuôi từ khi chưa tròn năm tuổi. Ngày đó cha mẹ đã có một người con trai hơn H. một tuổi. H. được cha mẹ yêu thương, chăm sóc như con ruột và cho ăn học đàng hoàng. Học kém nên hết lớp 4, H. đã nghỉ ở nhà phụ mẹ bán quán. Hai năm sau mẹ sinh em gái. Em gái và anh trai học giỏi nên luôn được cha mẹ mua quà mỗi khi có giấy khen và đem lời khen khi có khách tới thăm.

Mặc cảm vì mình chỉ là con nuôi khiến H. dần ít nói và theo đám bạn chơi bời, nghiện ngập lúc nào không hay. Kéo vạt áo lau nước mắt, H. kể: “Những tháng ngày bị nghiện, tôi cứ nghĩ ba mẹ sẽ bỏ mặc nhưng đó là những tháng ngày tôi cảm thấy lòng mình ấm nhất vì có ba, có mẹ. Biết tôi nghiện ma túy, ba mẹ ở bên động viên, an ủi tôi. Mỗi lúc lên cơn thèm thuốc, ba xích tôi lại, mẹ thì đứng bên cửa sổ khóc khàn giọng. Sau mỗi cơn đau vật vã vì đói thuốc, mẹ ngồi bên lau mồ hôi, động viên tôi cố gắng, anh và em gái cũng thường xuyên an ủi tôi”. H. quay sang phía người mẹ đang ngồi kế bên: “Con thật sự rất vui và hạnh phúc vì có ba mẹ, có gia đình”.

Sau khi xảy ra tai nạn, H. muốn được nhận tội thay cha để trả ơn. Biết cha sẽ không đồng ý nên H. tìm mọi cách thuyết phục. Nghe tới đây, người mẹ quay sang phía H. và nói: “Con là con của cha mẹ, chỉ có duyên chứ không hề có nợ nên con không phải trả ơn. Con sống tốt là việc trả ơn tốt nhất cho cha mẹ rồi”...

4. Người cha sau đó đã bị tòa tuyên phạt 12 tháng tù. Trong thời gian thụ án, ông đã gửi cho vị chủ tọa một lá thư cảm ơn, trong đó có tâm sự: “Tôi có lỗi vì không quyết đoán ngay từ đầu. Suýt nữa con tôi phải lãnh án thay tôi. Nhận bản án tù lòng tôi thanh thản vô cùng”.

Gấp lá thư trên tay, vị chủ tọa nhẹ nhàng: Vụ án tưởng chừng chẳng có gì nhưng đằng sau nó là tình cảm cha con thiêng liêng. Đời người thẩm phán, cầm giữ cán cân công lý cũng chứng kiến nhiều cảnh vui buồn nhưng theo ông cái tình luôn đáng quý, đáng gìn giữ trân trọng...

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm