Bài học đắt giá từ các nước vỡ trận COVID-19

Hôm 27-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng lên tiếng cảnh báo không quốc gia nào sẽ an toàn trước tốc độ lây lan chóng mặt của dịch bệnh COVID-19. Do đó, mọi nước đều phải hết sức cảnh giác, nâng cao công tác phòng ngừa dịch. “Không có quốc gia nào có thể tuyên bố miễn nhiễm trước dịch COVID-19 vì đó là một sai lầm chết người” - đài ABC dẫn lời ông Tedros khẳng định.

Trước tình hình dịch ngày càng nghiêm trọng ở một số quốc gia như Iran hay Hàn Quốc, câu hỏi cần được đặt ra là Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ thất bại của những nước bị COVID-19 nhấn chìm?

Minh bạch thông tin là tối quan trọng

Iran hiện là quốc gia có số lượng bệnh nhân COVID-19 tử vong cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục với hơn 40 trường hợp. Tuy nhiên, khi đặt số ca tử vong của Iran cạnh hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng đang có dịch thì nước cộng hòa Hồi giáo này lại cho tỉ lệ tử vong khá cao, lên đến gần 9%, đài CNN lưu ý. Trước đó, tỉ lệ tử vong trung bình do WHO công bố chỉ xấp xỉ 2%.

Với số liệu bất thường trên, một số chuyên gia y tế cho rằng việc thống kê số trường hợp nhiễm bệnh ở Iran có thể đã không phản ánh đúng tình hình trong nước, vô tình tạo ra chênh lệch quá lớn về tỉ lệ tử vong giữa nước này so với các khu vực còn lại. Điều này có thể là do giới chức y tế Iran, vô tình hay hữu ý, đã bỏ qua những trường hợp lây nhiễm nhẹ hoặc không tính vào người đã bắt đầu có triệu chứng của bệnh nhưng chưa được xét nghiệm.

CNN nhấn mạnh việc cung cấp số liệu chính xác là rất cần thiết để chính phủ vạch ra đối sách chống dịch thích hợp, kịp thời và chính xác. Trong khi số liệu quá thấp sẽ dẫn đến sai sót trong công tác phòng ngừa, số liệu quá cao sẽ gây hoang mang dư luận và tạo bất ổn xã hội. “Việc che giấu hay làm sai lệch số liệu vì lý do nào đó chỉ có tác dụng tạm thời, còn hậu quả về sau có thể không thể đảo ngược được. Chúng ta đang bàn về mạng người, tiền bạc ở đây chứ không phải là những con số vô hồn trên giấy” - CNN cảnh báo.

Luôn luôn đề cao cảnh giác

Thống kê mới nhất của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận số ca lây nhiễm của nước này tới mốc 4.000 người với 20 ca tử vong. Việc một quốc gia với nền y học hàng đầu thế giới như Hàn Quốc thất thủ trước dịch bệnh quá nhanh gây chấn động trong giới chuyên gia.

Theo tờ The New York Times, một trong những sai lầm lớn nhất của Seoul là đã quá chủ quan và dự đoán sai về tình hình dịch, để khi COVID-19 bùng phát lại không kịp trở tay. Chính giới Hàn Quốc hiện không tiếc lời chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in vì cách xử lý thiếu tầm nhìn, cụ thể là chậm đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc vì cho rằng chỉ cần cấm người từ tỉnh Hồ Bắc là đủ. Vấn đề thiếu hụt khẩu trang trầm trọng ở nước này cũng là một hậu quả trực tiếp từ những nhận định thiếu chính xác của nhà cầm quyền.

Ngoài ra, nhìn từ cách giải quyết vấn đề lây lan giữa các thành viên giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) của chính quyền Hàn Quốc, nước này tiếp tục phơi bày lỗ hổng trong công tác phòng bị khi vẫn cho phép giáo phái này tổ chức các sự kiện đông người ngay cả lúc một số thành viên đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng trong khoảng ngày 7 đến 10-2. Thậm chí cả khi Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã lên tiếng cảnh báo, ông Moon ngày 13-2 vẫn tiếp tục trấn an bằng phát biểu “Mọi thứ vẫn ổn” đến lúc mọi chuyện quá muộn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm