Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc - Cựu Tổng lãnh sự VN tại TQ Dương Danh Dy:

Bài 1: Những “tử huyệt” của Trung Quốc ở Biển Đông

Kể từ đầu tháng 5, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông đã có nhiều diễn biến liên quan của 2 nước cũng như một số quốc gia khác.

Trả lời phỏng vấn về căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc nói: "Việt Nam tôn trọng nhưng không hề sợ Trung Quốc và Bắc Kinh đánh giá rất cao Hà Nội".

 Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc, ông Dương Danh Dy

Mũi tên trúng hai đích

- Là người làm ngoại giao lâu năm, công tác tại Trung Quốc, ông có nhận xét gì về việc có thông tin nói Trung Quốc đưa Hải Dương 981 vào Biển Đông thực hiện ‘mũi khoan chính trị’?

Hành động này của Trung Quốc nhằm 2 mục đích, vừa xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vừa tổ chức thăm dò tài nguyên, khoáng sản dầu khí trên Biển Đông.

Điều này có thể hóa giải được thế khó của Trung Quốc hiện nay khi đa số các vùng biển có dầu mỏ đều bị khai thác tràn lan, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản ở các vùng xung quanh.

Bài 1: Những “tử huyệt” của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 2
iệc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc (Nguồn: AP)  

Là người đã làm việc nhiều năm ở Trung Quốc, từ trung ương tới địa phương, trong thời gian đó, tôi đã tiếp xúc với những tài liệu của Bắc Kinh cho thấy mưu đồ 10 năm thăm dò dầu khí Biển Đông của họ.

Nhìn lại năm 1995, sở dĩ Trung Quốc đưa tàu ra chiếm Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vì nơi đây được cho là có trữ lượng dầu khí đã được thăm dò.

Từ đó có thể thấy rằng, mục tiêu đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông không chỉ có động cơ chính trị. Trong lúc các vùng biển còn lại đang bị ô nhiễm tàn phá, Biển Đông được xem là ‘vùng sạch’ với nguồn tài nguyên phong phú.

Ngoài ra, còn phải nhìn thấy rằng, Biển Đông là cửa ngõ của nhiều tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Với âm mưu chi phối Biển Đông, Trung Quốc hi vọng sẽ có một ngày gây được áp lực với Nhật Bản qua tuyến hàng hải này.

Nói như vậy để ta hiểu được Trung Quốc đã chuẩn bị rất lâu trước khi đi bước đi này. Hiện nay, Trung Quốc là một nước mạnh, chúng ta phải thừa nhận điều đó, nhưng đồng thời phải hiểu rằng Việt Nam tôn trọng chứ không hề sợ Trung Quốc.

-Thưa ông, có ý kiến nói rằng Trung Quốc không dám khoa trương sức mạnh ở biển Hoa Đông bởi ở đó Nga thì quá mạnh, Nhật cũng không vừa, hơn nữa Tokyo từng được Tổng thống Mỹ Obama cam kết bảo vệ. Thế nên Bắc Kinh buộc phải diễu võ giương oai ở Biển Đông, ông nhận xét thế nào về điều này?

Tôi đọc nhiều tài liệu Trung Quốc, trong đó họ có nói đến việc từ thời Nguyên, Trung Quốc đã có dã tâm thôn tính Nhật Bản nhưng bất thành bởi hạm đội thủy quân bị bão đánh chìm. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa nguôi điều đó. 

Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Á vừa qua cũng cam kết bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia. Ông Obama cũng nói đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku mà Nhật đã khéo léo quốc hữu hóa trước sự tức giận của Bắc Kinh. 

Dĩ nhiên với việc Nhật, Mỹ bắt tay ở biển Hoa Đông khiến Bắc Kinh không dám manh động, dù vẫn mạnh miệng tuyên bố chủ quyền với Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào Hoàng Sa của Việt Nam là việc làm đã được tính toán rất lâu, nằm trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Obama là một trong những động lực khiến Trung Quốc vội vã hành động ngang ngược ở Biển Đông.

Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải thay đổi quan niệm, có nhận thức mới về đâu là đối tác, đâu là đối thủ.


'Không có kẻ thù vĩnh viễn...'

-Thưa ông, còn một vấn đề khác đang được dư luận thế giới quan tâm là Nga – Trung tập trận hải quân ở biển Hoa Đông. Ông có nhận định thế nào về cuộc tập trận này?

Năm 1969, Liên Xô và Trung Quốc từng có cuộc chiến tranh biên giới, và nhiều năm sau đó, khi tôi đang ở Trung Quốc cũng chứng kiến những cuộc khẩu chiến dữ dội giữa hai bên. Nhưng như chúng ta đã biết, “không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh cửu”.

Sau khi bị Mỹ, phương Tây gây khó dễ về việc dầu khí và khí đốt nên Nga buộc lòng phải quay sang nhích lại gần Trung Quốc.

 Tàu chiến Nga đến biển Hoa Đông tập trận cùng Trung Quốc

Phải nói rằng sức ép của Mỹ và phương Tây đã khiến Nga, Trung Quốc giải quyết nhanh vấn đề tranh chấp biên giới, đặt đường ống dẫn dầu và sắp tới là dẫn khí đốt sang Trung Quốc.

Mỗi năm Bắc Kinh phải nhập hơn 200 triệu tấn dầu, trong khi hiện tại được Nga cung cấp dầu thì quá tốt cho Trung Quốc.

Sự hợp tác Nga – Trung hiện nay có thể coi là để chống lại sức ép từ phía Mỹ. Cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước cũng chủ yếu nhằm gửi tín hiệu đến Mỹ.


Điểm yếu

- Ông nói rằng Trung Quốc tuy mạnh nhưng vẫn có nhiều điểm yếu, cụ thể là điểm yếu nào?

Dễ dàng thấy rằng điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc về mặt quân sự ở biển Đông chính là vị trí và khoảng cách địa lý. 

Trong tác chiến trên biển hiện đại thường phải kết hợp cả hải quân với không quân, nhưng một khi nổ ra xung đột tại biển Đông, chiến đấu cơ Trung Quốc bay từ đất liền của họ ở đảo Hải Nam ra được tới vùng biển rồi bay về là hết dầu, không còn thời gian tác chiến.

“Chính vì vậy, theo dõi trên báo chí Trung Quốc tôi thấy Bắc Kinh đang loay hoay tìm cách khắc phục “tử huyệt” này bằng cách đóng tàu sân bay và huấn luyện tiếp dầu trên không cho chiến đấu cơ. Cả 2 việc này Trung Quốc đã và đang làm, việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào hoạt động còn phải cần thời gian, không phải cứ muốn là được. 

Còn hoạt động huấn luyện cơ động tác chiến đường dài cũng như tiếp dầu cho chiến đấu cơ thì hiện chưa có thông tin nào cho thấy là Trung Quốc đã làm xong”.

Thứ hai, điểm yếu nổi bật của Trung Quốc ở biển Đông chính là tính phi nghĩa trong các hoạt động quân sự của họ, Bắc Kinh không chỉ tuyên bố và khẳng định cái gọi là “chủ quyền” với hầu hết diện tích biển Đông nên việc Trung Quốc chủ động gây căng thẳng hoặc tìm cách khiêu khích xung đột quân sự sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực.

Thứ nữa, chúng ta đều biết quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cách đảo Hải Nam, Trung Quốc rất xa, nhưng vì tham vọng bành trướng lãnh hải cũng như sức mạnh quân sự trên biển xuống hướng Nam, Bắc Kinh cố sống cố chết để tuyên bố cái gọi là chủ quyền đối với 80% diện tích biển Đông thông qua đường lưỡi bò phi pháp do họ tự nhào nặn. Điều này dù họ có cố tình lấp liếm bằng lý do gì cũng không thể che dấu được.

Thứ tư, điểm yếu của quân đội Trung Quốc nói chung và hải quân nói riêng chính là tinh thần người lính. Lính Trung Quốc hiện nay thường được gọi là ‘lính con một”. Hơn 30 năm nay Trung Quốc thực hiện chế độ sinh đẻ có kế hoạch, mỗi cặp vợ chồng chỉ được đẻ 1 con.

“Lứa tuổi trên 18-20, tuổi đi lính nghĩa vụ của Trung Quốc hiện nay thuộc loại “con độc nhất”. Không nói cũng rõ, những cậu con một này đã được “6 người lớn chăm sóc, nâng niu” từ lúc mới lọt lòng cho tới khi đến tuổi trưởng thành. 

6 người là hai bố mẹ, hai ông bà nội, hai ông bà ngoại, cho nên cậu nào, dù ở thành phố hay nông thôn, là con nhà giàu hay còn nghèo cũng đều được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chiều chuộng đủ đường.

Đến tuổi nhập ngũ, tinh thần phấn đấu, chịu đựng gian khổ của những “cậu ấm độc nhất” đó nói chung rất kém. Và điều quan trọng nữa là cuộc xung đột ở Biển Đông nếu có xảy ra thì là hoạt động quân sự phi nghĩa của Trung Quốc, nhất định sẽ bị dư luận tiến bộ trong nước và trên thế giới lên án. Ngoài ra, những thanh niên Trung Quốc bây giờ có cơ hội tiếp xúc với nhiều luồng thông tin trong và ngoài nước hơn các thế hệ trước, nên họ không dễ bị lừa bịp, o ép.

Theo Phương Mai - Tùng Đinh (VTC)

(Còn nữa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm