Bạc Liêu nói về vụ ‘bất thường bán hồ sơ gói thầu trăm tỉ’

Ngày 20-5, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu (ban quản lý), thông tin về bài “Bạc Liêu: Bất thường trong bán hồ sơ dự án trăm tỉ”Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh. Ông Đức cho rằng lỗi không do người bán hồ sơ.

Ông thông tin: “Sau khi kiểm tra, thấy rằng ngay cả trong những ngày mà nhân viên Linh đến trụ sở nhưng bảo là không mua được, hồ sơ gói thầu số 8 vẫn được bán cho nhiều người”.

“Đến nay đã bán cho gần chục doanh nghiệp. Quá trình nhân viên Linh đến mua hồ sơ, nhân viên bán hồ sơ của chúng tôi có bận chút việc gia đình nhưng cuối cùng vẫn gặp và bán cho cô này. Thế nhưng khi phôtô hồ sơ xong thì tối, hẹn sáng hôm sau nhưng cô Linh không đến mua nữa” - ông thông tin.

Trước đó, cô Linh, nhân viên một công ty ở tỉnh Quảng Ninh phản ánh với chúng tôi: Ngày 11-5, cô cầm giấy giới thiệu của công ty đến ban quản lý mua hồ sơ đấu thầu nhưng không được. Sau hai ngày chầu chực (ngày 11 và 14-5) nhưng cô vẫn không gặp được nhân viên bán hồ sơ tên H.

Trụ sở ban quản lý, nơi cô Linh chầu chực sáu ngày mà không mua được hồ sơ đấu thầu.  Ảnh: TV

Ngày 15-5, chúng tôi đi cùng cô Linh đến trụ sở ban quản lý nhưng cô Linh vẫn không mua được hồ sơ vì “anh H. được giao bán hồ sơ đấu thầu không có ở cơ quan” như người của ban quản lý thông báo.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Đức, Giám đốc ban quản lý, phản ánh. Qua điện thoại ông Đức xác nhận ông H. đưa người nhà đi BV đột xuất, ngày 16-5 sẽ về bán hồ sơ đấu thầu.

Trong ngày 16-5, cô Linh đến chầu chực ở trụ sở ban quản lý cả ngày nhưng vẫn không mua được hồ sơ. Cụ thể, trong buổi sáng 16-5, cô không gặp được ông H., mãi đến 2 giờ chiều ông H. mới xuất hiện nhưng báo là hồ sơ đã hết, đợi ông đi phôtô. Cô Linh đã ngồi đợi đến khoảng 5 giờ chiều, ông H. xuất hiện và trả lời “nhân viên đóng dấu đã về”, hẹn hôm sau quay lại.

Đến lúc này, cô Linh bỏ cuộc vì thời gian để hoàn thành bộ hồ sơ mời thầu mất nhiều ngày, thời gian còn lại không đủ để công ty hoàn thành, đành ra về sau sáu ngày chầu chực ở ban quản lý mà không mua được hồ sơ!

Khi nghe nội dung phản hồi của ông Đức, Giám đốc ban quản lý, cô Linh bức xúc: “Sao có thể nói vậy được? Tôi là nhân chứng cho việc họ cố tình không bán hồ sơ. Tôi sẽ chỉ mặt từng cán bộ đã nói với tôi về việc ông H. không có ở cơ quan. Nếu có tổ chức độc lập xác minh mời tôi làm nhân chứng, tôi sẵn sàng tham gia. Tôi nghi vấn việc không bán hồ sơ cho tôi là có biểu hiện bất thường”.

Mặc dù có doanh nghiệp than trời vì không mua được hồ sơ nhưng ông Đức khẳng định: Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu số 8, nâng cấp cảng Gành Hào sẽ diễn ra bình thường như kế hoạch.

Chưa hết, với trả lời của ông Đức: “Ngay cả trong những ngày mà nhân viên Linh đến trụ sở nhưng bảo là không mua được, hồ sơ gói thầu số 8 vẫn được bán cho nhiều người” thì ai bán khi ban quản lý chỉ giao việc bán hồ sơ cho ông H.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc bất thường này.

Những ‘trò mèo’ ém hồ sơ mời thầu

Doanh nhân tên H. có gần 20 năm lăn lộn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình vốn ngân sách nhà nước chia sẻ: Việc né tránh không bán hồ sơ mời thầu là trò đơn giản nhất, cũng có thể nói là thô thiển nhất trong lĩnh vực này.

Theo quy định, không bán hồ sơ mời thầu theo thông báo thì có thể bị phạt đến 10 triệu đồng và có thể bị đình chỉ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, làm lại.

Nhưng làm sao xác định được đó là hành vi né tránh, không bán hồ sơ? Không ai đi nói với người đến mua hồ sơ rằng tôi không bán mà họ dùng lắm trò không thể bắt bẻ được như “con bệnh, cha bệnh, mẹ bệnh…”, những lý do mà khi thanh tra, kiểm tra vào thì vì tính nhân văn, người ta rất dễ dàng thông cảm, cho đó là khách quan. Tôi từng chứng kiến một trò tinh vi, bây giờ họ hay sử dụng để sắp thầu, đó là trò sử dụng nhiều giá thầu trong hồ sơ. Họ sẽ bắt đầu khui từng hồ sơ dự thầu. Các gói đầu khui ra rõ giá thầu hết trọi nên gói sau cùng sẽ có một cái giá tốt nhất để trúng thầu” - doanh nhân H. nói.

Doanh nghiệp có nghi ngờ khi khui hồ sơ dự thầu cũng không dám đề nghị cho kiểm tra vì chỉ cần làm một lần thôi, về sau anh đừng hòng đấu trúng được gói thầu nào. Bởi vì hồ sơ dự thầu là cả một tập hợp dày cộp về năng lực tài chính, nhân vật lực, các hợp đồng kinh tế tương đương…, một dấu chấm, một dấu phẩy cũng có thể bị bắt lỗi, buộc làm đi làm lại cho đến nản mà bỏ cuộc.

Với trò né tránh không bán hồ sơ, có một cách hiệu quả để trị. Có lẽ cô Linh trong trường hợp trên chưa có nhiều kinh nghiệm nên phải bỏ cuộc. Nếu cô có kinh nghiệm, khi đến mua hồ sơ theo đúng thời gian thông báo mà cán bộ không bán, cô nên đề nghị họ lập biên bản. Trong đó xác định “hôm nay tôi đến mua mà không bán”. Họ không chịu lập biên bản thì đến chính quyền địa phương báo, mời họ đến lập. Không được nữa thì đến Thanh tra Sở KH&ĐT báo sự việc, đề nghị cử cán bộ đi đến nơi bán hồ sơ lập biên bản. Làm vậy thì chắc chắn sẽ mua được hồ sơ, họ không dám để lập biên bản ấy đâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm