Ba vấn đề ngành GTVT TP.HCM còn ‘nợ’ dân

Ngập nước, kẹt xe, khó đi lại bằng xe buýt là chuyện không mới với ngành GTVT TP.HCM suốt gần 10 năm qua. Tại bản tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 20 HĐND khóa VIII, những vấn đề này tiếp tục được nêu ra.

10 năm giải quyết được 10% điểm ngập

Tại các kỳ họp HĐND năm 2007-2008, Giám đốc Sở GTVT khi đó - ông Trần Quang Phượng giải thích: Ba nguyên nhân gây ngập nước ở TP là do mưa, triều cường và xả lũ. Khi đó ngành GTVT đã tung toàn sức, toàn lực ra để chống ngập và hứa đến năm 2012 xóa xong ngập ở khu vực trung tâm TP thay vì phải đến năm 2015.

Tại các cuộc giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP với các quận và UBND TP diễn ra giữa hai kỳ họp vừa qua cho thấy công cuộc chống ngập của TP chỉ đạt được kết quả rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết đến nay TP mới chỉ lắp đặt được hơn 2.500 km cống thoát nước các loại (trên tổng số 6.000 km, tương đương hơn 43%). Về đê bao ngăn triều và nước mưa mới chỉ làm được 64/149 km ở khu vực sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều (cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, đặt thêm cống, làm đê bao, van ngăn triều, xây hồ điều tiết… chỉ là các giải pháp tình thế và 10 năm qua mới chỉ giải quyết được khoảng 10% tình trạng ngập ở TP. “Chúng ta chống ngập chỗ này lại đẩy ngập sang chỗ khác. Thậm chí có công trình chống ngập mới xong trong năm nay thì năm sau khu vực đó đã lại ngập” - ông Tín nói.

Theo ông Tín, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập ở TP diễn biến phức tạp là: Điều kiện tự nhiên của Sài Gòn không thuận lợi; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; quản lý nhà nước về thoát nước và chống ngập còn quá nhiều bất cập… “Với những diễn biến phức tạp như vậy thì 5-10 năm tới có đến 2/3 diện tích TP ngập khi có mưa to, triều cường” - ông Tín cảnh báo.


Đường Nguyễn Thị Thập, trục giao thông của quận 7 sang quận 4, liên tục bị kẹt xe từ đầu năm tới nay. Ảnh: LĐ

Kẹt xe là do… tiêu chí đánh giá

Trong các năm 2012-2013, hàng loạt cây cầu kiên cố và cầu vượt bằng thép tại các giao lộ được đưa vào sử dụng. Tình hình kẹt xe được cải thiện phần nào. Nhưng từ đầu năm đến nay tình hình kẹt xe lại trở nên nghiêm trọng, thường xuyên và lan rộng từ các cửa ngõ vào đến trung tâm TP.

Tại bản tổng hợp ý kiến mới đây, cử tri quận 4 cho rằng kẹt xe là do việc phân luồng giao thông và đèn tín hiệu chưa hợp lý. Tình trạng kẹt xe thường diễn ra trên các tuyến đường từ quận 7 sang quận 4 như Nguyễn Tất Thành, cầu Kênh Tẻ, cầu Ông Lãnh và cầu Calmette. Cử tri huyện Nhà Bè đề nghị cần có giải pháp đảm bảo giao thông cho giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vì nơi đây thường xuyên xảy ra kẹt xe, nhất là vào các giờ cao điểm. Cử tri quận 8 phản ánh khu vực dưới chân cầu Chà Và và đường Cao Xuân Dục, khu vực cây xăng thuộc phường 12 thường xuyên kẹt xe gây ùn tắc giao thông.

Quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè… là những vùng đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh, lưu lượng xe lưu thông hằng ngày vào/ra trung tâm TP vào giờ cao điểm rất lớn nên kẹt xe là điều khó tránh khỏi. Nhưng theo Sở GTVT, trong chín tháng đầu năm không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào kéo dài trên 30 phút.

“Số liệu thống kê vụ kẹt xe dựa theo tiêu chí phải đứng im không nhúc nhích trên 30 phút mới gọi là kẹt không còn phù hợp với tình hình giao thông thực tế. Vì vậy, tới đây Sở GTVT sẽ xây dựng tiêu chí mới về kẹt xe, lượng hóa cụ thể như lưu thông bao nhiêu km/giờ; đi qua được bao nhiêu khu vực, trục đường/giờ thì được coi là không bị kẹt… Có tiêu chí mới phù hợp thực tế thì mới có cơ sở đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải nạn kẹt xe” - ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, nhìn nhận.

Chờ giao thông công cộng “lột xác”

Tháng 12-2013, tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa VIII, Sở GTVT cho biết TP đang thực hiện chiến lược phát triển phương tiện công cộng để đến năm 2020 có số người dân đi lại bằng phương tiện công cộng đạt 20% và đạt 30%-40% vào năm 2030.

Báo cáo tại các cuộc giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP trong tháng 11 vừa qua và tại các cuộc hội thảo khoa học mới đây, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh cho biết từ năm 2002 đến 2013 xe buýt đã leo lên “đỉnh” phát triển và nay đang đi xuống. Cụ thể, từ năm 2002 đến 2013, lượng người dân đi xe buýt đã tăng hơn 11 lần (từ 36 triệu hành khách/năm 2002 lên hơn 411 triệu hành khách/năm 2013) nhưng năm 2014 tụt xuống 367 triệu, năm 2015 dự kiến chỉ đạt 324 triệu lượt hành khách.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP - ông Đậu An Phúc nhìn nhận: “Xe buýt chưa là lựa chọn của người dân vì thời gian đi lại bị kéo giãn, tốc độ di chuyển bằng xe buýt chỉ là 10 km/giờ (chỉ hơn tốc độ đi bộ hai lần)”. Theo TS Phạm Sanh, đến năm 2030 TP mới có thể có ba tuyến metro, ba tuyến BRT… đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân và khi đó thì xe buýt cũng chỉ đáp ứng được 30%-35% nhu cầu (thay vì chỉ 6%-7% như hiện nay).

Theo ông Lê Hoàng Minh, có tới chín giải pháp để xe buýt phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Theo đó, Sở GTVT sẽ tập trung vào các giải pháp như: Sắp xếp lại mạng lưới luồng, tuyến và cơ cấu lại đoàn xe trên các tuyến cho phù hợp với diện tích, làn đường; thay mới số đầu xe cũ đang xuống cấp; triển khai hệ thống điều hành, quản lý xe buýt thông minh từ bán vé (smart card) tới hoạt động của các xe trên mạng lưới và quản lý, điều hành sát sườn các đầu mối (giảm từ 21 doanh nghiệp, hợp tác xã xuống còn dưới 10)…

Năm 2015, bộ máy lãnh đạo của Sở GTVT được hoàn thiện với độ tuổi trung bình của ban giám đốc là 40-45. Đây sẽ là dàn lãnh đạo của ngành trong 10-15 năm tới. Vậy với các vấn đề ngập, kẹt xe và xe buýt được định thời lượng phải giải quyết trong 10-15 năm và dài hơn nữa thì “món nợ” nào sẽ được xóa? Chỉ riêng vấn đề kẹt xe, tại cuộc họp báo tháng 9-2015, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường nói: “Với các công trình lớn như 12 tuyến metro, monorail, tramway và xe buýt sức chở lớn (BRT) đã và đang được triển khai quyết liệt theo quy hoạch giao thông TP tầm nhìn đến sau năm 2020 thì hy vọng đến thời điểm đó tình hình kẹt xe ở TP sẽ được cải thiện!”.

Người dân TP cũng hy vọng là như vậy!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm