Bà Rịa- Vũng Tàu lý giải việc cấm dùng xe 2 bánh đi làm, shipper phải âm tính

Chiều nay (19-7), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin về ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh; vấn đề cấm người lao động đi lại bằng phương tiện xe hai bánh, đi bộ; shipper đi giao hàng trong nội thị phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính mà một số địa phương trong tỉnh đang triển khai.

Người dân đồng tình, chấp hành Chỉ thị 16

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, trong ngày 19-7, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 12 ca nhiễm COVID-19 mới. Từ 28-6 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 194 ca nhiễm. Những ca này tập trung chủ yếu ở địa bàn Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc, Long Điền… Tỉnh đã tập trung, tăng cường lực lượng để khẩn trương truy vết các trường hợp F0 trong cộng đồng các địa phương này.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: "14 ngày tới là thời gian vàng để phòng chống dịch...". Ảnh: TK

“Chúng tôi cho rằng thời gian giãn cách là khoảng thời gian ngày vàng, giờ vàng, tận dụng tối đa thời gian này để thực hiện công tác phòng chống dịch, xử lý triệt để các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Từ đó tạo ra vùng xanh an toàn…

Việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm, thiếu kiểm tra giám sát sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan lơ là, để lại hậu quả nặng nề hơn. Chính vì thế trong thời điểm giãn cách tỉnh quyết tâm thực hiện cho bằng được phát hiện, cách ly các ca nhiễm”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt, tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương thì sau gần một ngày thực hiện giãn cách trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng tinh thần, quy định tại Chỉ thị 16.

Đa số người dân rất đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm quy định giãn cách của Chỉ thị 16, ở trong nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết và đảm bảo quy tắc 5K.

“Chỉ có một số người dân ở một số huyện vẫn còn ra đường để tập thể dục, di chuyển trong trường hợp không cần thiết. Các trường hợp đều đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở…”- ông Tuấn nói.

Tỉnh đã kiểm tra, khẳng định đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người dân, trong và sau giãn cách… Hàng nông sản tại địa phương cũng được điều tiết để cung ứng phục vụ trong tỉnh, giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt. Với các hộ nghèo, gia đình, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh và các địa phương, các tổ chức, đoàn thể có chính sách quan tâm kịp thời.

Sẽ có hướng dẫn chung cho toàn tỉnh

Theo ông Trần Văn Tuấn, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, với những loại hình được hoạt động, đa số các doanh nghiệp thực hiện một trong hai biện pháp:

Một là “3 tại chỗ” (Sản xuất - Ăn uống - Nghỉ tại chỗ); Hai là tổ chức đưa đón người lao động bằng xe đưa đón tập trung từ nhà máy về nơi ở - một cung đường 2 điểm đến. Cũng có doanh nghiệp thực hiện cả hai phương án nêu trên.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Ngoài ra có một số trường hợp như phản ánh là đi lẻ, bằng xe máy hiện nay đang gặp khó khăn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp phản ánh là việc thuê xe vận chuyển, đưa đón tập trung gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức cho người lao động thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” cũng gặp khó do mặt bằng sản xuất kinh doanh không đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hướng dẫn, hỗ trợ làm sao cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổ định”.

Về vấn đề TP Vũng Tàu có văn bản yêu cầu nhân viên giao hàng (shipper) đi giao hàng, ra vào thành phố và trong thành phố khi có giấy xét nghiệm âm tính Sars-CoV-2, ông Tuấn thông tin lại: “TP Vũng Tàu ban hành văn bản ngày 18-7. Tuy nhiên trong chiều 19-7, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn cụ thể là shipper giao hàng trong nội thị không cần giấy xét nghiệm này. Tỉnh sẽ có hướng dẫn ngay cho các địa phương trong tỉnh cùng thực hiện”.

Việc sản xuất, đi lại của người lao động trong và ngoài Khu công nghiệp sẽ phải theo phương án để đảm bảo sản xuất, phòng chống dịch hiệu quả. Ảnh minh họa: TK

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh thông tin rõ hơn về phương án tổ chức sản xuất, người lao động đi làm tại các cơ sở sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp; không cho phép người lao động sử dụng xe hai bánh, đi bộ đi làm.

Theo ông Vinh, khi áp dụng giãn cách xã hội, tỉnh căn cứ hướng dẫn số 2242 ngày 14-7-2021 của Bộ LĐ-TBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh...

Trên tinh thần hướng dẫn nêu trên và Chỉ thị 16, bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo quy định. Tỉnh thực hiện đồng bộ với các tỉnh trong khu vực như Đồng Nai, Bình Dương.

Qua thực tế triển khai trong ngày đầu giãn cách ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện do có kế hoạch từ trước đó. Tuy nhiên có các doanh nghiệp gặp khó khăn do không đảm bảo các điều kiện. Tỉnh đã ghi nhận, tính toán phương án để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lại phương án sản xuất, đi lại cho người lao động. Với mục đích cuối cùng là “Doanh nghiệp an toàn, Người lao động an toàn, Đồng hành cùng tỉnh, địa phương trong những ngày giãn cách”.

Ngày 18-7, UBND TP Vũng Tàu có văn bản số 5065/UBND-QLĐT về việc tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông đối với người lao động trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không thể tổ chức "3 tại chỗ", yêu cầu tổ chức xe ô tô đưa đón cán bộ, công nhân viên, người lao động đi, về… Không cho phép người lao động sử dụng xe hai bánh, đi bộ đi làm.

Nhân viên giao hàng (shipper) và người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở cung ứng lương thực thực phẩm được sử dụng xe mô tô đi lại, ra vào thành phố và trong thành phố khi có giấy xét nghiệm âm tính Sars-CoV-2 trong vòng 3 ngày kể từ ngày xét nghiệm.

Tại huyện Châu Đức cũng có quy định không cho phép người lao động sử dụng xe máy cá nhân đi làm như nêu trên...

Những quy định này đã khiến người lao động không khỏi bất ngờ, phản ứng vì cho rằng không hợp lý.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chia sẻ: “Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong quá trình triển khai dù tỉnh đã rất chủ động chuẩn bị nhưng không lường hết được các trường hợp thực tế phát sinh, dẫn đến một số khó khăn, bất cập. Tất cả những vướng mắc, khó khăn này đều được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, tiếp thu, lắng nghe và có chỉ đạo kịp thời với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe của người dân, ổn định sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cũng kêu gọi người dân đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết cùng chia sẻ, hưởng ứng, nghiêm túc thực hiện  Chỉ thị 16…”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm