Bà Rịa- Vũng Tàu: 100 loại thiết bị y tế 3 năm vẫn 'trùm mền'

Ngày 4-11, theo nguồn tin của PLO, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang yêu cầu các sở ngành khẩn trương báo cáo kết quả xử lý, thực hiện các nội dung theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh tại kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, giai đoạn từ 2014- 9.2019.

Cấp mới nhưng không dùng tới

Theo kết luận thanh tra, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 25 đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Y tế, 114 cơ sở khám chữa bệnh (viết tắt là KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tỉnh.

Thanh tra đánh giá, trong giai đoạn từ 2014 đến tháng 9-2019 ngành y tế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phát triển không ngừng, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) hiện đại, kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Việc mua sắm thuốc và vật tư y tế được các cơ sở y tế chủ động và kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trong công tác đấu thầu Sở Y tế làm chủ đầu tư thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số những thiếu sót. Cụ thể, từ năm 2014-2018, Sở Y tế thực hiện 33 gói thầu mua sắm TTBYT (31 gói mua sắm, 2 gói tư vấn), tổng giá trị hơn 690 tỉ đồng. Năm 2019 không mua sắm.

Tại thời điểm thanh kiểm tra có 100 chủng loại từ các đợt mua sắm tập trung và Sở Y tế bàn giao cho các đơn vị từ năm 2016 vẫn còn lưu trong kho của các đơn vị đến nay chưa được đưa vào sử dụng. Các thiết bị còn mới nguyên, với tổng giá trị là hơn 16,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra là việc mua sắm TTBYT đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh là cần thiết. Nhưng khi về các đơn vị thì đội ngũ y, bác sỹ vận hành thiếu do nghỉ hưu, chuyển công tác, không đủ chuyên môn năng lực để vận hành).

Ngoài ra, thời điểm đó chưa có quy định cụ thể nên việc Sở Y tế tiến hành điều chuyển các trang thiết bị từ đơn vị không sử dụng sang đơn vị khác để sử dụng chưa thể thực hiện triệt để. Từ năm 2017 Sở Y tế đã phát hiện và sau đó có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm…

Giá nhập khẩu thiết bị y tế chưa rõ ràng

Cũng theo đoàn thanh tra, có hiện tượng hồ sơ dự thầu không thể hiện giá nhập khẩu từng TTBYT.

Đoàn thanh tra đã đề nghị các đơn vị: Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sân Nhất, Cửa khẩu Hải quan Cảng Sài Gòn, Cửa khẩu Hải quan Tân cảng Cái Mép…cung cấp các chứng từ thể hiện giá nhập khẩu của 70 TTBYT thuộc các gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Sau đó chỉ có hai cơ quan Hải quan cung cấp 11/70 chứng từ nhập khẩu có thể hiện giá nhập khẩu TTBYT.

Qua đối chiếu giá thì thấy tỷ lệ chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu của các TTBYT là khá cao.

Khoản chênh lệch này chưa bao gồm các khoản chi phí gián tiếp (chi phí quản lý, chi phí bán hàng, thuế nhập khẩu, phí lưu kho, vận chuyển và các khoản chi phí khác có liên quan, lợi nhuận dự kiến). Đến nay phía đơn vị tư vấn vẫn chưa cung cấp được đầy đủ tài liệu cho đoàn thanh tra. Do đó chưa có cơ sở luận về việc thẩm định giá của đơn vị tư vấn thẩm định giá.

 Kiến nghị chấn chỉnh để hạn chế thiếu sót

Trên cơ sở kết luận, Thanh tra tỉnh kiến nghị một số nội dung nhằm hạn chế thiếu sót trong mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế, thuốc trong những năm sau.

Theo đó, kiến nghị tiếp tục làm rõ nội dung chênh lệch giữa giá đấu thầu và giá nhập khẩu các TTBYT nêu trên; Đề nghị rà soát lại các TTBYT tồn kho, chưa sử dụng tại các đơn vị y tế để tiến hành rà soát, bảo trì, phân loại, có kế hoạch điều chuyển sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, thanh tra kiến nghị các đơn vị y tế khi xây dựng nhu cầu mua thuốc tập trung phải sát với thực tế, tránh tình trạng để thiếu thuốc, phải tổ chức đấu thầu mua thuốc bổ sung thành nhiều lần trong năm; thuốc trúng thầu nhưng không mua hoặc tỷ lệ mua thuốc và sử dụng dưới 80% kết quả trúng thầu đối với các gói thầu mua thuốc tập trung.

Có biện pháp để không còn việc chậm trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc tập trung cấp tỉnh, tránh tình trạng thiếu thuốc, các đơn vị phải tự tổ chức mua thuốc bổ sung nhiều lần trong năm. Đặc biệt đối với các loại thuốc cấp thiết, cần thiết trong công tác khám chữa bệnh, sử dụng trong phẫu thuật, gây mê, tiền mê, sốc phản vệ...

Cơ qua chức năng cần ban hành quy định riêng về đấu thầu và mua sắm VTYT, quy định rõ về việc lập danh mục đấu thầu tập trung; đồng thời quy định cơ quan BHXH tham gia trong quá đấu thầu mua sắm VTYT từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm