Bà con TP.HCM bất ngờ và vui khi được tặng báo tận nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Thiệt tình mà nói, từ ngày giãn cách xã hội nghiên ngặt - "ai ở đâu ở yên đó", ngày nào chúng tôi cũng nhận được các báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Pháp Luật TP.HCM từ UBND xã chuyển xuống. Đọc riết thấy ghiền. Hôm nào báo chuyển xuống trễ là tôi ngồi ngóng” - bà Nguyễn Thị Xuyến (48 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) chia sẻ.

Bộ đội Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) phát báo Pháp Luật TP.HCM cho người dân cư xá Đô Thành (phường 4, quận 3, TP.HCM) vào chiều 3-9. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mong báo chí sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu hơn

Theo bà Xuyến, dịch căng thẳng nên bà hay tìm đọc những thông tin liên quan đến dịch bệnh. Những bài viết hướng dẫn người dân cách phòng tránh lây nhiễm, cách tự chăm sóc khi chẳng may mắc COVID-19 và cả hướng dẫn để điều trị bệnh tại nhà rất bổ ích.

“Dân quê như tôi chữ nghĩa không nhiều, đôi khi ngẫm nghĩ một hồi mới hiểu bài viết muốn nói gì. Tôi mong các bài viết sẽ sử dụng từ ngữ dễ hiểu, chân phương hơn. Tôi cũng mong có thêm những bài viết nói về sự hỗ trợ, nương tựa lẫn nhau giữa người với người trong khu cách ly” - bà Xuyến tỏ lòng.

Ông Trần Thanh Hùng (50 tuổi, ngụ ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) cho hay ông và bà con trong khu vực nhà trọ cũng thường xuyên nhận được các báo Người Lao Động, Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ do UBND xã tặng. Ông cho biết mình rất “kết” những bài viết nói về sự tận tâm, tận lực của nhân viên y tế và lực lượng chống dịch COVID-19.

“Hình ảnh lực lượng chống dịch ngất xỉu do kiệt sức, nhân viên y tế không thể về nhà chịu tang cha mẹ… thực sự tạo nhiều cảm xúc trong tôi” - ông Hùng nói và đề nghị các báo phản ánh nhiều hơn những trường hợp không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, các trường hợp chống đối lực lượng kiểm soát dịch và các hình thức xử phạt để răn đe...

Đề xuất tăng thêm lượng báo

Ông Đặng Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, cho biết mỗi ngày TP phân bổ về xã mỗi báo 200 tờ. “Số báo này sẽ được gửi tới bà con trong khu vực phong tỏa, ban nhân dân ấp, tổ nhân dân và các hệ thống chính trị trong xã” - ông Xuân nói.

Theo ông Xuân, dịch COVID-19 là vấn đề được người dân trên địa bàn quan tâm. Từ những thông tin đăng tải trên báo chí, bà con biết được diễn biến hằng ngày của dịch bệnh, nắm bắt được những quy định, chính sách của TP, của trung ương trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Từ đó, người dân tham gia và thực hiện tích cực hơn các biện pháp để góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan.

Còn Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Sơn Nguyễn Thanh Tú cho hay bà con trong xã xem báo chí như món ăn tinh thần không thể thiếu trong thời điểm giãn cách xã hội.

“Báo chí giúp người dân thực hiện đúng những hướng dẫn của TP về phòng chống dịch, thấy được sự gian lao, vất vả của nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu khác…” - ông Tú nói và cho hay do lượng báo phân bổ có hạn nên người có, người không. Bà con mong muốn được lãnh đạo TP tăng thêm số lượng báo mỗi ngày để kịp thời cập nhật những thông tin cần thiết.

Hình thức chăm lo về tinh thần rất thiết thực

Chiều 3-9, các tình nguyện viên thuộc UBND phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM đã đến nhà những hộ gia đình khó khăn trên địa bàn để trao gói an sinh của TP.HCM cùng các ấn phẩm báo chí.

Ở con hẻm trên đường Nguyễn Du (phường 7, quận Gò Vấp), các tình nguyện viên đến các địa chỉ trong danh sách, gọi tên, trao túi an sinh kèm các tờ báo.

Theo anh Ngô Thanh Giang, tình nguyện viên của UBND phường 7, quận Gò Vấp, khi trao túi quà an sinh kèm tờ báo rất thiết thực với bà con, giúp bà con nắm bắt thông tin cũng như những chủ trương, chính sách của TP.HCM trong công tác phòng dịch, biết được những thông tin xung quanh mình cũng như trong nước, thế giới.

Ông Hồ Hải Sơn (56 tuổi, ngụ phường 7) cho biết rất cảm động khi nhận được túi an sinh cùng tờ báo Pháp Luật TP.HCM để đọc. “Xin cám ơn Bộ TT&TT và UBND TP.HCM đã quan tâm đến cuộc sống cả về tinh thần, vật chất đến người dân như tôi” - ông Sơn nói.

Thấy những tình nguyện viên đi phát báo và gói an sinh tới, ông Phạm Hoài Đức, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng ở một hẻm trên đường Nguyễn Du, cũng chạy tới xin vài tờ báo.

Ông Đức sau đó cầm từng tờ báo đến từng nhà dân để phát cho bà con. Ông cho hay người lớn tuổi thường ưa chuộng việc đọc tin tức trên báo giấy. “Lớp trẻ thường đọc, chia sẻ tin tức trên mạng. Có tờ báo giấy thì những người có tuổi như chúng tôi cập nhật thông tin nhanh hơn” - ông Đức tiếp.

Bà Nguyễn Thị Mai Quyên, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp, đánh giá: Việc phát từng tờ báo đến người dân sẽ giúp họ cập nhật thêm các thông tin là hình thức chăm lo về tinh thần rất thiết thực cho người dân bên cạnh các phương tiện truyền thông khác.

Còn ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường 4, quận 3, cho hay: Mỗi ngày cán bộ phường cùng bộ đội Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) và các tổ tình nguyện viên phát 100-200 túi an sinh của quận và phường cho người dân và đi chợ giúp 200-250 đơn hàng/ngày. Khi phường phát túi an sinh và đơn hàng sẽ tặng kèm một tờ báo để người dân nắm được thông tin trong thời gian siết chặt giãn cách.

“Qua việc phát báo tới người dân, góp phần giúp người dân nắm được nhiều thông tin chính thống từ các cấp chính quyền, hiểu và nắm nhiều thông tin thiết thực cho mình” - ông Đức nói.•

 

Bà con TP.HCM bất ngờ và vui khi được tặng báo tận nhà ảnh 2
Anh Nguyễn Trung Trí tranh thủ đọc những thông tin trên
báo Pháp Luật TP.HCM vừa được bộ đội Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4)
phát vào chiều 3-9. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bất ngờ khi nhận tờ Pháp Luật TP.HCM

Anh Nguyễn Trung Trí ở hẻm 524 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3 nhận túi an sinh kèm tờ Pháp Luật TP.HCM liền tranh thủ đọc và cho hay: “Rất bất ngờ khi nhận được tờ báo giấy vì lâu nay ở nhà nên chỉ xem thông tin qua đài và mạng xã hội”.

“Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà ai cũng quan tâm khi tiếp cận được những thông tin chính thống trên báo” - anh Trí nói.

“Từ ngày siết chặt giãn cách cô không ra khỏi nhà, nay được phát báo giấy tại nhà cô thấy vui lắm, ở nhà mà đọc được những thông tin chính thống từ báo của TP thì mình tin cậy hơn, thông tin nhiều hơn, rất nhiều thông tin thiết thực và bổ ích” - bà Hoàng Thị Mùi, ngụ cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm