Ba 'căn bệnh' trong đánh giá hộ nghèo

Trên đây là nhận định của ông Trần Hồng Châu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI diễn ra ngày 12-12.

Hôm nay, các đại biểu cũng đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An về các vấn đề “nóng” liên quan đến giảm nghèo, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề. Đồng thời, các đại biểu cũng hất vấn Giám đốc Sở Y tế Nghệ An những vấn đề liên quan đến lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, chất lượng khám chữa bệnh và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI. Ảnh: Đ.LAM

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Trí (huyện Anh Sơn) về biện pháp khắc phục tính nể nang, cục bộ địa phương, dòng họ dẫn đến tình trạng bình xét hộ nghèo thiếu chính xác, ông Nguyễn Bằng Toàn-Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An nói: công tác điều tra và bình xét hộ nghèo diễn ra ở từng phường, xã, vì vậy vai trò của cấp xã hết sức quan trọng và vai trò giám sát của cấp huyện cũng cực kỳ quan trọng. Vẫn có tình trạng nể nang họ hàng, có tình trạng danh sách hộ nghèo được lập chỉ thông qua trong cán bộ với nhau, không công khai, minh bạch và tạo ra sự không công bằng, chính xác. 

Về giải pháp khắc phục, ông Toàn cho rằng: không có cách nào khác phải thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình các bước trong xác định hộ nghèo gồm xác định danh sách hộ cần điều tra hộ nghèo rồi điều tra thu nhập hộ gia đình, sơ kết rà soát lại, đưa ra công khai hóa và minh bạch để họp dân bình xét công khai danh sách hộ nghèo.

Một số đại biểu cũng trăng trở làm sao để dân thoát nghèo bền vững, giải pháp giảm tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi…

Ông Trần Hồng Châu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị Sở LĐ-TB và XH cần chủ động tham mưu UBND tỉnh để rà soát lại các quy định, tiêu chuẩn, quy trình nhằm đánh giá thực chất hộ nghèo, tránh ba khuynh hướng diễn ra. Thứ nhất, đó là bệnh thành tích, nhất là thời kỳ chuẩn bị đại hội, các địa phương muốn hoàn thành chỉ tiêu đại hội nên báo cáo hộ nghèo không đúng thực chất; thứ 2 là tính ỷ lại, trông chờ trong một bộ phận nhân dân, dẫn đến không có ý chí vươn lên để thoát nghèo; thứ 3 là tính không khách quan trong bình xét hộ nghèo. 

“Ba “căn bệnh” này đang khá phổ biến ở các địa phương và cần phải chấm dứt. Việc xóa đói, giảm nghèo phải tiến hành đồng bộ và nhiều biện pháp, trong đó giáo dục nâng cao trình độ dân trí, ý thức tự lập, tự cường, tự tôn của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ”-ông Châu nói.

Đại biểu Phan Văn Tuyên (huyện Yên Thành) chất vấn: “Việc giải quyết quyền lợi cho 25 lao động ở 3 xã của huyện Yên Thành của Công ty CP đầu tư Cửu Long đã thu tiền của người lao động nhưng không đưa người đi xuất khẩu lao động vẫn chưa được thực hiện”. Ông Toàn trả lời: “Sự việc này từ thời điểm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Lý do công ty này đã giải thể và thu hồi giấy phép hoạt động và hiện sự việc đang chuyển cho cơ quan điều tra để truy tố, xét xử. Tuy nhiên, với trách nhiệm ngành sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Bộ LĐ-TB và XH và Bộ Công an để có thông tin trả lời cho đại biểu và cử tri sớm nhất”.

Về chất vấn trong số 55.000 lao động Nghệ An đang lao động ở nước ngoài thì có bao nhiêu lao động đi theo con đường chính ngạch, tiểu ngạch và bao nhiêu lao động phải trở về giữa chừng mà không được đảm bảo quyền lợi? ông Toàn nói: xin được tiếp thu và gửi thông báo sau bằng văn bản gửi đến đại biểu.

Về vấn đề y tế, ông Bùi Đình Long – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thừa nhận, có xyar ra tình trạng lạm thu, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Vấn đề y đức, tinh thần, thái độ phục vụ của một số bộ phận cán bộ, nhân viên y tế chưa tốt, còn biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà cho bệnh nhân trong thời gian qua là do một số người đứng đầu của các cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Chiều 12-12, sau khi thông qua 17 Nghị quyết quan trọng, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI đã bế bạc sau ba ngày làm việc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm