Bà Ba Diễm - người không chịu sống chung với tham nhũng

Bà Ba Diễm tên thật là Trần Ngọc Diễm, nay đã 70 tuổi (43 tuổi Đảng, từng là cán bộ tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang), nhà ở ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Bà lừng danh ở xã này vì “chiến dịch” chống tiêu cực, tham nhũng của mình cách đây mấy năm. Khi ấy, vì tố cáo của bà mà bốn cán bộ xã mất chức, đồng thời phải trả lại gần 300 triệu đồng.

Chỉ có bà Ba Diễm mới làm ra chuyện ấy

Cuối năm 2013, người dân ấp Tân Phú vui mừng vì con đường bê tông qua ấp hoàn tất và được đưa vào sử dụng. Bà con ở đây phần lớn là những gia đình có truyền thống cách mạng, đã chờ đợi Nhà nước làm đường từ nhiều năm qua. Nhưng sau 15 ngày đưa vào sử dụng, con đường bắt đầu bong tróc, nứt nẻ, có nơi lộ ruột sắt ra, chỏ lên chi chít.

Nhiều người dân ở đây cho rằng con đường này đã bị rút ruột công trình. Bà Ba Diễm khi ấy 65 tuổi, nghe vậy rất bực nên âm thầm tìm hiểu. Bà cùng anh Hoàng Em (một người dân trong xã) và nhiều người từng một thời công tác bàn bạc, lên kế hoạch điều tra làm rõ vụ việc. Bà đã tận dụng các mối quan hệ để xin các hồ sơ liên quan đến công trình này.

Sau khoảng ba tháng, khi có trong tay các chứng cứ chắc chắn, bà Diễm viết đơn tố cáo và đích thân đứng tên chịu trách nhiệm. Đến tháng 10-2014, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đầm Dơi có kết luận, lãnh đạo xã và một số cán bộ xã Tân Trung có tiêu cực, hơn cả những gì bà Diễm tố cáo.

Cụ thể, con đường bê tông qua ấp Tân Phú dài 7,8 km, tổng vốn đầu tư 3,5 tỉ đồng (Nhà nước 80%, dân 20%), tuy nhiên phần đóng góp 20% của người dân xã lại làm hai danh sách khác nhau. Một danh sách miễn giảm đúng như thống nhất với dân trước đó và được niêm yết công khai. Một danh sách khác cũng miễn giảm nhưng số tiền miễn giảm nhiều hơn thực tế 97 triệu đồng. Danh sách này được gửi về huyện để huyện cấp ngân sách xuống, số dư ra các cán bộ bỏ túi. Ngoài ra, xã còn quyết toán thừa chiều dài con đường để nhà thầu nhận khống thêm số tiền 213 triệu đồng.

Một điều đáng nói là trong danh sách niêm yết công khai ghi rõ miễn giảm cho chủ hộ là người chồng 50%, nhưng cũng hộ này trong danh sách gửi về huyện lại ghi tên vợ với mức miễn giảm 100%. Bằng phương thức như vậy với 14 hộ dân, các cán bộ xã Tân Trung đã bỏ túi 97 triệu đồng.

Với cách bùa phép như vậy mà bà Ba Diễm vẫn hiểu và vạch trần được nên dân trong ấp rất nể bà. “Vụ đó mà không có cô Ba Diễm thì đố ai làm ra” - anh Hoàng Em quả quyết.

Bà Ba Diễm (trái) hào hứng trao đổi về lần chống tham nhũng năm 2014 của mình  với bà con xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Phải có phương pháp và đủ dũng khí

Năm nay đã 70 tuổi nhưng bà Ba Diễm vẫn như ngày nào, giọng nói sang sảng, thẳng thắn và khí thế, vẫn quan tâm đến tình hình chống tham nhũng, tiêu cực của cả nước, tình hình phát triển của địa phương.

Bà kể xã Tân Trung sau sự việc đó nay đã rất ổn, các cán bộ, lãnh đạo xã bây giờ quan tâm hơn đến vấn đề khó khăn, khiếu nại, thắc mắc của dân. “Tôi nhớ nhóm cán bộ thời đó, tôi có gặp và báo là dân nghi các ông rút ruột công trình. Nếu có rút thì sửa đi, trả lại đi, nếu không tôi sẽ đi tố. Họ ừ ừ hử hử rồi làm ngơ lời cảnh báo của chúng tôi. Họ mà sửa thì tôi đâu có tố” - bà Diễm kể, cười sang sảng.

Về làm nông dân đã mấy chục năm nên tôi không còn nhớ nhiều về lý luận nhưng có những chuyện căn bản không bao giờ quên. Là một đảng viên thì ai cũng đã tuyên thệ trước khi vào đảng. Trong lời thề đó có phần phải đấu tranh với mọi tiêu cực, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, quan liêu… Và tôi biết tham nhũng như là giặc nội xâm, thậm chí nó ảnh hưởng đến cả sự tồn vong của chế độ nếu không chống đến cùng.

 TRẦN NGỌC DIỄM, ấp Tân Phú, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau 

Trở lại với câu chuyện chống tiêu cực năm đó, bà Diễm còn tiết lộ nhiều điều thú vị. Bà từng là cán bộ làm công tác kiểm tra đảng thời kháng chiến. Sau giải phóng về làm cán bộ một thời gian thì xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình. Chính vì vậy, bà Diễm hiểu rõ trách nhiệm công dân, trách nhiệm đảng viên cũng như tác hại của tham nhũng, tiêu cực…

Khi nói về cách làm để tố tiêu cực, tham nhũng cho đúng, có hiệu quả, bà Diễm chia sẻ: “Bây coi, danh sách công khai thì họ ghi thu của tôi với chị tôi là bà Hai Nhàn. Còn danh sách gửi về huyện họ ghi miễn 100% cho má tôi bà Lê Thị Mười. Cũng trên một thửa đất thì làm sao cán bộ huyện phát hiện được. Nhưng dân tụi tôi thì làm ra được. Phương pháp nói chung là phải cảnh báo trước cho những cán bộ này. Nếu họ tự sửa thì thôi, còn không thì mình phải tố cáo những sai phạm đó. Khi làm thì phải đủ chứng cứ, tố phải đúng luật tố cáo. Và đã tố thì phải kiên quyết không để bị mua chuộc”.

Trước khi chúng tôi ra về, bà Diễm nói như nhắn nhủ: “Bây có cây viết thì bây phải chống tham nhũng, tiêu cực bằng cây viết, dân rất mong mỏi điều này. Không thể sống chung với tham nhũng được. Vì điều này sẽ bào mòn các giá trị tốt đẹp của Đảng, của dân tộc, làm cho đất nước kém phồn thịnh hơn các nước khác”.

Chấn chỉnh cho thế hệ cán bộ đi sau

Cuộc chiến chống tham nhũng năm 2014 của bà Ba Diễm đã lấy lại được phần lớn số tiền đã bị thất thoát. Bốn cán bộ liên quan trong đó có chủ tịch xã bị kỷ luật đảng, bị điều chuyển sang các vị trí khác ít liên quan đến tiền. Dù chưa hoàn toàn thỏa mãn với kết quả giải quyết của cơ quan chức năng nhưng bà Diễm cũng tạm hài lòng vì đã góp phần chấn chỉnh, cảnh báo các thế hệ cán bộ sau này của xã mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm