Áp thấp nhiệt đới vào Vịnh Bắc bộ, hơn 260.000 chiến sĩ sẵn sàng ứng phó

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết hồi 16 giờ ngày 7-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm ATNĐ.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa rất to

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm KTTVQG

Tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ và mưa lớn diện rộng chiều 7-7, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết cơn ATNĐ này có cấu trúc phân tán nên việc dự báo tương đối hạn chế. Các nước chung nhận định cơn này sẽ dừng ở ATNĐ, ít khả năng hình thành bão.

Với kịch bản hướng di chuyển và cường độ dự báo, ATNĐ sẽ gây gió mạnh cấp 6-7 ở Vịnh Bắc bộ. Vùng biển Bình Thuận – Cà Mau do tương tác với gió mùa Tây Nam nên có gió cấp 5-6, giật cấp 7-8. Trên đất liền, chiều tối và đêm 7-7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đề phòng gió cấp 6-7.

Về tình hình mưa lớn, do ATNĐ hình thành ngay trên dải áp thấp, có hai khối mây khổng lồ nên kịch bản xấu có thể tác động là từ chiều 7-7 đến hết 8-7, Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa - Nghệ An có mưa lớn từ 100-250 mm. Một số nơi như Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An… có mưa to trên 300 mm.

“Chúng tôi đặc biệt cảnh báo một số khu vực có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất, nhất là ở các tỉnh trung du, miền núi” – ông Khiêm nói.

Nhiều tỉnh cấm biển

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết từ khi vùng áp thấp mới hình thành đã phát tin cho các địa phương chủ động theo dõi. Sau đó các bộ, ngành đã thông báo cho toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm.

Tính đến chiều 7-7 vẫn còn trên 2.600 tàu ở sát ven bờ, các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú. Hiện các địa phương đã thông báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực lồng bè để đảm bảo an toàn.

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Ninh Bình đã tiến hành cấm biển.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn chiều 7-7. Ảnh: AH

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đã có công điện chỉ đạo và duy trì 264.272 chiến sĩ với gần 2.000 phương tiện ứng trực sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, đã huy động 5 máy bay trực thăng gắn loa công suất lớn để sẵn sàng kêu gọi ngư dân vào bờ...

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho biết Bộ NN&PTNT đang thực hiện chuyển đổi số để phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng lưu ý công tác truyền thông kịp thời đến người dân để ứng phó với mưa lớn, lũ quét, kích hoạt để người dân tham gia chỉ điểm, phát hiện điểm xung yếu để ứng phó, xử lý kịp thời.

"Chỉ cần một đập nhỏ, một con đường, đập tràn, ống cống qua đường bị nghẽn, mình không phát hiện được thì dẫn đến ùn ứ, sạt lở, dẫn đến chết người như Lào Cai vừa rồi" - Bộ trưởng nói.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cơn ATNĐ này không phải là lớn nhưng chúng ta cần nghe và tập dượt lại. Qua báo cáo của các đơn vị, Phó thủ tướng đánh giá công tác chuẩn bị, ứng phó đã được tổ chức rất bài bản. Qua đó có thể khẳng định chúng ta đã sẵn sàng ứng phó khi ATNĐ đổ bộ.

Phó thủ tướng cũng nêu một thực tế, có nhiều lần dù đã chuẩn bị rất kỹ càng nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Do vậy Phó thủ tướng đề nghị công tác dự báo phải nâng cao trang thiết bị, tăng cường phối hợp với các cơ quan dự báo thế giới để có những bản tin dự báo chính xác hơn, sớm hơn bởi nếu dự báo không chính xác, dự báo muộn thì tai họa rất lớn.

Phó thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ phải xây dựng kế hoạch cụ thể, có phương án “4 tại chỗ”, có phương án cụ thể trong diễn biến dịch COVID-19 đang phức tạp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm