Áp thấp nhiệt đới sẽ thành bão hướng vào Đà Nẵng - Phú Yên

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 13 giờ chiều nay (16-10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 220 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10 và tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi 20-25 km.

• Tại Trung bộ, từ hôm nay đến 21-10 sẽ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to, lên tới 800 mm.

Ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế phổ biến 300-500 mm, có nơi trên 500 mm; ở các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên 200-300 mm, có nơi trên 350 mm.

Từ đêm 16-10 đến ngày 18-10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo sau ngày 21-10 ở các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.

Đối với khu vực Bắc bộ, hiện đang có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực ven biển và đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình, nam Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to.

Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tiếp tục đề nghị các địa phương ở miền Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa. Điều hành hệ thống hồ chứa, nhất là bốn hồ chứa lớn Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đảm bảo an toàn công trình và hạ du...

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận, các ban, bộ, ngành liên quan chủ động các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và diễn biến mưa lũ.

Các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng và Ban chỉ đạo, triển khai đánh dấu vết lũ tại các điểm bị ngập sâu, lũ lịch sử, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất. Rà soát, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm