Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 14 trên Biển Đông

Chiều nay (20-12), áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 14 trong năm 2020 và có tên quốc tế là Krovanh.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 14. Ảnh: KTTVQG

Đến 13 giờ chiều mai, ngày 21-12, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Cảnh báo: Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 7,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 13 giờ ngày 22-12, vị trí tâm bão cách Huyền Trân khoảng 120km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão: Vùng biển khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5,0-7,0m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ/bão tại Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng nay, 20-12, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khi đi sâu hơn vào phía đất liền, hướng bão có chiều hướng đi xuống do tác động của khối không khí lạnh. Do vậy khi bão đạt cấp 9 sẽ suy yếu.

"Bão có diễn biến phức tạp vì từ ngày thứ tư trở đi, bão lại đi thiên về phía tây, may mắn là cường độ giảm còn cấp 7." - ông Lâm nói.

Tuy nhiên toàn bộ vùng mây đối lưu, gió mạnh, mưa nằm ở phía tây bắc của tâm bão. Do đó vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận sẽ có gió rất mạnh, khoảng cấp 8-9 trước khi bão vào. Khi bão vào đến khu vực từ Bình Định - Cà Mau thì cường độ bão đạt cấp 7. Đặc điểm địa hình khu vực này kéo theo gió đông bắc-tây nam nên cường độ gió sẽ đỡ hơn.

Về tình hình mưa, mưa chính tập trung ở Đà Nẵng - Bình Thuận, sau đó là Bình Thuận - Cà Mau. Dự báo lượng mưa không lớn, 50-150mm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm