Áp thấp kép đe dọa Nam bộ, Nam Trung bộ

20 năm sau bão Linda gây tang thương cho các tỉnh miền Tây, các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ đang bị hai cơn áp thấp nhiệt đới đe dọa.

Trong đó, một cơn áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão ngoài biển Đông, một cơn đang hướng thẳng vào các tỉnh Nam bộ gây mưa to, ngập lụt.

Áp thấp gây lốc xoáy, vòi rồng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều tối 1-11, tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách đất liền các tỉnh Bạc Liêu-Cà Mau khoảng 160 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Đến chiều 2-11, tâm ATNĐ ở trên vùng biển phía Nam Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Áp thấp kết hợp với không khí lạnh gây mưa giông kèm lốc xoáy, vòi rồng ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển Bình Thuận-Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau-Kiên Giang. Ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau nước biển có thể lên tới 4-4,5 m. Rủi ro thiên tai cấp 3 (cấp 5 là thảm họa).

Các tỉnh ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; khu vực Trung và Nam Trung bộ và có gió giật mạnh, mưa to giông.

Cũng trong chiều 1-11, một ATNĐ khác vượt Philippines đi vào khu vực phía Đông biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 570 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Cơn ATNĐ này di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến chiều nay, tâm bão nằm trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. 

Tàu thuyền ở Kiên Giang vào bờ trú tránh áp thấp nhiệt đới. Ảnh: GT

Khẩn trương ứng phó

Thực hiện công điện hỏa tốc của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ráo riết ứng phó.

Bạc Liêu đã cấm tàu thuyền ra khơi, kiểm đếm tàu thuyền còn ở trên biển, thông báo cho các tàu tìm nơi trú tránh.

Bến Tre cũng cấm tàu thuyền ra khơi. Thông báo cho các tàu còn hoạt động trên biển vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền.

Ở Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu… công tác kêu gọi tàu thuyền còn hoạt động trên biển được các cơ quan chức năng ráo riết thực hiện. Các địa phương này đề nghị lãnh sự Việt Nam tại các nước láng giềng hỗ trợ giúp ngư dân có nơi trú ẩn an toàn trên nước bạn. Các lực lượng quân đội, công an… được huy động sẵn sàng ứng cứu.

Tại Bình Thuận, tuyến vận tải Phan Thiết - đảo Phú Quý vẫn hoạt động và các cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao tình hình thời tiết và sẽ phong tỏa ngay nếu có lệnh cấm theo chỉ đạo của tỉnh. Địa phương này cũng thông báo diễn biến thời tiết nguy hiểm cho tàu thuyền và người dân trên đất liền.

Phú Yên ngập sâu

Tối 1-11, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã sơ tán hơn 2.000 người ở những khu vực bị ngập sâu đi tránh lũ. Các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Phú Mỡ và thôn Xuân Hòa của xã Xuân Long bị cô lập, giao thông trọng yếu bị chia cắt do ngập sâu, lũ đang tiếp tục lên.

Ở huyện Tuy An, hai xã An Định, An Nghiệp nhà dân bị ngập sâu.

Trong khi đó, mực nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã đạt cao trình 103 m so với mực nước biển và thủy điện này tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ lên 2.600 m3/giây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm