Ăn cơm của dân, sao chống lưng tham nhũng?

Dự kiến tuần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sẽ cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại biểu (ĐB) QH Vũ Trọng Kim, người đã có những phát biểu mạnh mẽ trong phiên họp thứ bảy của Ủy ban Tư pháp (UBTP) khi thẩm tra dự án luật này.

Ông Vũ Trọng Kim nói: “Tham nhũng khiến người dân bất bình ở mức độ cao chứ không phải bình thường. Giờ phải lấy lại niềm tin trong dân. Việc này phải được củng cố bằng hệ thống chính sách, đặc biệt là công tác cán bộ”.

Trói trách nhiệm cơ quan chống tham nhũng

. Phóng viên: Chính phủ vừa có báo cáo PCTN năm 2017, hàng loạt vụ việc lớn đã và đang được xem xét xử lý như vụ Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh… Ông đánh giá gì về công tác kết quả PCTN thời gian qua?

+ Ông Vũ Trọng Kim: Chuyện hàng chục năm qua giờ lôi được ra ánh sáng. Làm được như thế là do có một thế trận chống tham nhũng, sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, đây mới là kết quả ban đầu chứ không phải đã xong. Tình trạng tham nhũng hiện nay lan tràn…

Cán bộ, công chức làm sao phải lấy lại tâm thế của mình. Tôi cho rằng bên cạnh xử lý những vụ việc lớn, những đại án về tham nhũng cũng phải xây dựng đội ngũ cán bộ công tâm, không tham nhũng, không dám tham nhũng và sợ tham nhũng.

Kiểm soát về tài chính phải đảm bảo đừng để họ móc ngoặc với nhau, sinh ra tham nhũng vặt, tham nhũng lớn, kiểu nhỏ ăn nhỏ, lớn ăn lớn thì không chấp nhận được.

Mặt khác, phải hết sức coi trọng việc tổ chức lại các cơ quan, đơn vị PCTN, coi đó là việc cần kíp hơn bất cứ lúc nào.

. Những đại án tham nhũng nói trên diễn ra từ hàng chục năm trước, rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra vào nhưng không phát hiện. Ông từng nhận định “người chống tham nhũng, người chống lưng, không biết ai chống thật, ai chống giả?”. Cần làm gì để lấp lỗ hổng này?

+ Theo tôi, một vụ việc chỉ nên giao một cơ quan đầu mối, đừng phân tán vì chưa hẳn nhiều cơ quan cùng tham gia chống tham nhũng là tốt. Vấn đề quan trọng là cần tìm tới sự thật. Đầu mối một khi được thống nhất sẽ trói được trách nhiệm của cơ quan chống tham nhũng khi làm chậm, làm không ra, vì khi đó rất dễ quy địa chỉ trách nhiệm.

Ví dụ như câu chuyện của Vinalines,Vinashin ngày xưa, hàng chục đoàn thanh tra, kiểm toán vào cuộc nhưng tìm không ra sai phạm, sau đó vụ việc vỡ lở thì phải xử lý trách nhiệm thanh tra, kiểm tra thế nào?

Theo tôi, cần phải cảnh báo công khai, công bố về trách nhiệm, năng lực (thanh tra, kiểm tra), làm rõ đằng sau đó là cái gì chứ cho qua hết là không được. Đối với đoàn thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra, sau đó cơ quan khác phát hiện thì cứ trưởng đoàn mà truy trách nhiệm. Anh ăn cơm nhân dân, phục vụ Nhà nước mà làm như thế, anh phải chịu trách nhiệm chứ.

Ông Vũ Trọng Kim yêu cầu “Phải làm minh bạch, truy đến tận cùng những ông nào nhận tiền, chứ đừng giấu danh sách mà các đối tượng trong vụ án Hà Văn Thắm đã khai”. Trong ảnh: Bị cáo Hà Văn Thắm đang khai trước tòa. Ảnh: ĐỨC MINH

Vì vậy, một vụ việc chỉ nên cho một đơn vị PCTN chuyên trách vào cuộc. Phải có cơ chế đặc biệt như đơn vị đặc nhiệm, có những thanh tra viên có năng lực, phẩm chất, mẫn cán.

Đồng thời cũng phải trả thù lao cho họ đúng mức vì có sự đóng góp cho Nhà nước, phải có chính sách xứng đáng, đừng để họ ôm bụng đói mà đi chống tham nhũng.

Truy đến cùng danh sách nhận tiền hối lộ

. Có nhiều ý kiến cho rằng các đại án lớn như Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh, Vinashin, Vinalines… có bóng dáng lợi ích nhóm, sân sau. Ông thấy thế nào?

+ Không phải bóng dáng mà là có lợi ích nhóm, sân sau thật… Tha hóa đến mức độ báo động rồi. Họ sử dụng đồng tiền một cách thoải mái, vô tội vạ.

Như vụ Hà Văn Thắm, họ khai chung chi hàng chục tỉ chỗ này chỗ kia. Cái này tôi đề nghị phải làm minh bạch, truy đến tận cùng những ông nào nhận tiền chứ đừng giấu danh sách mà các đối tượng trong vụ án đã khai.

Điều này không chỉ giúp lấy lại niềm tin của người dân với quyết tâm PCTN của Đảng mà còn có tác dụng răn đe người có chức vụ, quyền hạn sợ tham nhũng, không dám tham nhũng.

. Thảo luận về Báo cáo PCTN năm 2017 của Chính phủ, có ý kiến nêu tham nhũng do công tác cán bộ thiếu minh bạch, có hiện tượng chạy chọt, khi lên chức thì tìm mọi cách vơ vét để thu lại. Ông thấy thế nào?

+ Nhiều khi mình cứ đổ cho thể chế, chính sách, quan hệ kinh tế thị trường... Nó có yếu tố đó nhưng nguyên nhân từ công tác cán bộ mới là quan trọng.

Công tác cán bộ nhiều khi do điều tiết của lực lượng này kia, dựa vào quan hệ quen thân nên những tiêu chí đức, tài bị xóa nhòa. Có khi một trường hợp có thể đưa ra 5-7 lý do để không bổ nhiệm, cũng có chừng ấy lý do để đưa ra sự cần thiết phải bổ nhiệm. Điều này dẫn đến chuyện mua quan bán chức.

Điều đau lòng là khi cán bộ không đủ độ chín về tâm đức, kinh nghiệm nhưng lại được lên chức. Khi lên chức rồi tìm đủ cách để thu hồi; trả ơn bằng tiền, bằng vật chất cho người “nâng đỡ” mình.

Ngày trước, người ta nhớ ơn, trả ơn bằng cách ra sức phục vụ nhân dân, vì Tổ quốc, vì đồng bào. Còn bây giờ cả cái chuyện “biết ơn” ấy cũng bị tiền tệ hóa, rất nguy hiểm.

Rõ ràng nói tới nói lui thì nhân tố con người là quan trọng nhất. Dù có hàng chục biện pháp PCTN nhưng tất cả dễ bị vô hiệu hóa vì con người tha hóa.

Vì vậy phải mạnh mẽ chấn chỉnh công tác cán bộ, làm quyết liệt, tới cùng để thanh lọc đội ngũ, xây dựng một bộ máy thật sự liêm chính, hết lòng vì dân, vì nước.

Nói “buôn chổi đót” xây biệt thự là không chấp nhận được

Vấn đề không phải nằm ở chỗ có bao nhiêu người kê khai, điều này không nói được gì, mà phải chỉ ra được ai kê khai bất minh, xử lý như thế nào.

Tất nhiên đừng cứ thấy quan chức giàu là vội kết luận người ta tham ô. Giờ cứ vơ đũa cả nắm, thấy cán bộ xây nhà to bảo tham nhũng là không đúng. Vấn đề là phải đi vào bản chất xem nguồn gốc tài sản đó có bất minh hay không; anh có kê khai trung thực hay không. Từ đó cần có cơ chế giám sát, xử lý đối với việc kê khai tài sản thiếu trung thực, tài sản không giải trình được nguồn gốc.

Còn nhiều ông giải thích "nuôi heo, buôn chổi đót” mà xây biệt thự là ngụy biện, không chấp nhận được!

ĐBQH VŨ TRỌNG KIM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.