“Ám sát” cây xanh

Hai cây me số 168, 170 trước nhà hàng Nhật Hạ (82 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM) cách đây một tháng bỗng nhiên “lăn ra” chết. Một nhân viên bảo vệ của một công ty ở khu vực này kể: Hai cây me cao to đang xanh tươi thì đột nhiên khô lá.

Đổ hóa chất, vạt vỏ và… lắc cây!

Ông Trần Bảo Long, Giám đốc xí nghiệp Cây xanh số 1, Công ty Công viên Cây xanh thành phố, nói: “Hai cây me này đã gần 20 năm tuổi và không thể dễ dàng chết một cách nhanh chóng như vậy”. Trước nghi ngờ có kẻ “ám sát” cây me, xí nghiệp đã phối hợp với địa phương và ghi nhận được có kẻ đã đổ hóa chất vào gốc hai cây xanh này.

Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Khu 1), trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận 11), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Cộng Hòa (Tân Bình)… các cây me chua, sọ khỉ, dầu cũng bị chết bất đắc kỳ tử với nghi vấn đã bị đầu độc bằng hóa chất.

Ngoài ra, gần đây một loạt các cây sọ khỉ giữa ranh các nhà 116-118, 130-132 và đối diện khu đất trống số 267 Tân Quý, phường Tân Quý (quận Tân Phú) đã bị lột vỏ, đẽo cây nham nhở, lòi thân cây. Không những vậy, nhiều cây xanh trên tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi đã bị vạt sát gốc để lấy đi vỉ gang ở dưới gốc cây.

“Ám sát” cây xanh ảnh 1

Hai cây me trước nhà hàng Nhật Hạ (82 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3) gần 20 năm tuổi bị “ám sát” bằng hóa chất. Ảnh: MP

Theo ông Long, ngoài những cách thức giết hại cây xanh như đã nêu, có nơi “sát thủ” còn dùng nước sôi đổ vào gốc cây hoặc làm long gốc khiến cây xanh “ngắc ngoải”.

Thách thức lớn: Truy tìm thủ phạm

Một cán bộ Công ty Công viên Cây xanh thành phố cho hay theo quy chuẩn chung, cứ cách khoảng 4 m là có một cây xanh nhằm nâng cao tỉ lệ phủ xanh cho đô thị. Nhưng điều này lại làm án ngữ mặt tiền của nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh, gây “nhột con mắt” cho nhiều chủ nhà. “Chính vì vậy, ngay cả khi vừa trồng cây xanh xuống thì chúng tôi đã bị “quậy”, phải nhờ đến địa phương thuyết phục, vận động mới có thể “cắm” được cây xuống đấy. Nhưng chưa xong đâu vì có nơi chúng tôi phải trồng đi, trồng lại nhiều lần. Đến khi cây sống được thì lại bị phá hoại” - vị này nói.

Theo Khu 1, cây xanh bị xâm hại do nhiều động cơ khác nhau: Tạo sự thông thoáng cho mặt tiền nhà, tạo lối ra vào cho xe chở vật liệu khi xây dựng công trình, dị đoan phong thủy...

Điều 44 Nghị định số 23/2009 quy định rõ: Mức xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa khởi điểm từ 500.000 đồng, cao nhất là 15 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.

30 là số cây xanh đã bị sát hại bằng cách đổ hóa chất, chặt gốc lấy vĩ gang, đẽo và lột vỏ cây.

(Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1)

Tuy quy định đã có nhưng muốn phạt cũng đâu dễ bởi khó truy tìm thủ phạm. Đơn vị chăm sóc, bão dưỡng cây xanh (Công ty Công viên Cây xanh thành phố), đơn vị quản lý (các khu quản lý giao thông đô thị, thuộc sở GTVT) và các địa phương đều “nhức đầu” về chuyện này. Chẳng hạn, vụ đốn cây me trước mặt tiền một căn nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, Khu 1 nghi ngờ chủ nhà tự ý đốn hạ nhưng cũng chỉ là nghi vấn, không thể phát hiện bằng chứng.

Vụ triệt cây me trước nhà hàng Nhật Hạ bằng hóa chất cũng không rõ ai đã phá cây. Hay vụ lột vỏ cây sọ khỉ trên đường Tân Quý, Trung tá Nguyễn Văn Tiềm, Trưởng Công an phường Tân Quý quận Tân Phú, cũng nói: “Chúng tôi đang điều tra việc các cây sọ khỉ nằm giữa ranh các nhà 116-118, 130-132 đường Tân Quý bị lột vỏ, đẽo gốc nham nhở, điều khó là chưa có thông tin gì về thủ phạm”.

Nghị định 23/2009 cũng ghi rõ: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi. Nhưng “Chặt hạ, làm chết cây xanh thì khôi phục lại trình trạng ban đầu như thế nào đây?” - luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, đặt vấn đề.

MINH PHONG - NHÂN VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm