THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH:

Ai cưỡng chế chủ tịch tỉnh thi hành án?

Thẩm phán có dám công tâm xét xử chủ tịch tỉnh - thường là phó bí thư tỉnh ủy - người có quyền xem xét “số phận” của mình? Ai có quyền “cưỡng chế” chủ tịch tỉnh sửa sai…? Những vấn đề này đã được xới lên khi thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-5.

“Thả nổi” thi hành án hành chính

Bàn về vấn đề thi hành án hành chính, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nhớ lại: “Khi làm Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, chúng ta nghĩ mãi nhưng đành bất lực. Trình tự, thủ tục, quyền hạn thi hành án hành chính ra sao rất lúng túng, phải gác lại. Tôi chưa hình dung ra anh chấp hành viên “cưỡng chế” chủ tịch tỉnh sửa sai như thế nào”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba phản ánh: “Cho đến nay không biết cơ quan nào thi hành án hành chính, có bao nhiêu vụ được thi hành vì không có ai theo dõi, báo cáo… Chúng ta không thể thả nổi như vậy. Đã là bản án, quyết định có hiệu lực thì phải có cơ quan ra quyết định thi hành. Chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện không thi hành thì phải có chế tài…”. Bà đề nghị giao cho Bộ Tư pháp, vốn đang có tổ chức, cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp về thi hành án dân sự, đảm nhiệm về thi hành án hành chính chứ không nên lập cơ quan mới.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng không nên tổ chức thi hành án hành chính. Khi có phán quyết của tòa án về việc ra quyết định hành chính sai thì phải sửa, nếu không phải chịu kỷ luật… “Không ai dắt tay thủ trưởng phải ký, đóng con dấu của mình cả. Ở đây thực chất là trách nhiệm công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu” - ông nói.

Ai cưỡng chế chủ tịch tỉnh thi hành án? ảnh 1

Người dân đợi nộp đơn khởi kiện tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Khó xử cấp trên

Chia sẻ tâm tư với các thẩm phán, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thẳng thắn: “Chủ tịch thường là phó bí thư, mà quy trình xem xét, bổ nhiệm thẩm phán lại phải có ý kiến của cấp ủy. Bảo ông ấy ra quyết định sai có dám không? Khi xét xử ngân sách tòa án không đủ, phải xin ủy ban, phiên tòa lưu động thiếu kinh phí cũng xin ủy ban… Nhân sự, kinh phí lệ thuộc vào ủy ban nên trong vụ án hành chính, chỉ có ý kiến cũng đã ngại rồi”.

Bà Lê Thị Thu Ba cũng nhận định: Hiện nay, ta không đảm bảo được tính độc lập của thẩm phán. Chủ tịch ủy ban là phó bí thư cấp ủy, vì lệ thuộc đó nên thẩm phán thường né tránh. “Tôi từng làm ở tòa án nên biết với địa phương thì thường chọn phương án “không căng thẳng”, có gì tòa án cấp trên sẽ xem xét” - bà nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng kiến nghị cần sớm thành lập tòa án khu vực, “phải độc lập thật sự với cơ quan hành chính”. Về việc này, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết ngành đang xây dựng đề án đổi mới tổ chức, bộ máy. “Nếu được Quốc hội chấp thuận có tòa án khu vực thay cho quận, huyện, không gắn với cấp hành chính thì vị trí sẽ khác” - ông khẳng định.

Dự án Luật Tố tụng hành chính sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy (dự kiến khai mạc ngày 20-5 tới).

Nên cho dân được kiện thẳng ra tòa

Các tổ chức, cá nhân không đồng ý với các quyết định, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần thứ hai. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng quyền khởi kiện tại tòa án của tổ chức, cá nhân, bảo đảm quyền được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân, phù hợp với xu hướng mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.

Bà LÊ THỊ THU BA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Mở rộng thẩm quyền của tòa hành chính

Theo dự án Luật Tố tụng hành chính, tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành chỉ quy định “cứng” 22 loại việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm