8 dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày 30-3, với 429 phiếu tán thành (chiếm 89,38%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà cũng là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho đến thời điểm này. 

Một nhiệm kỳ Quốc hội dần khép lại. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã có những đổi mới mạnh mẽ, để lại nhiều dấu ấn trong các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là những thành tựu nổi bật về công tác lập pháp, giám sát tối cao, hoạt động ngoại giao…

Ngoài ra, các cơ quan của Quốc hội cũng có nhiều điểm nhấn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Và những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của vị nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Dưới đây, chúng tôi xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ của nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội năm 2016. Ảnh: QH

1. Sáng 31-3-2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã bỏ phiếu thống nhất bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội – và trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Bà cũng đồng thời là người đầu tiên thực hiện tuyên thệ khi nhậm chức theo quy định của Hiến pháp 2013.

Đến ngày 22-7-2016, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Trước đó vào đầu 2016, bà cũng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Thời điểm đó bà đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.

2. Trong ba lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều đạt số phiếu tín nhiệm cao. Cụ thể, năm 2013 với 372 phiếu, năm 2014 với 390 phiếu và năm 2018 với 437 phiếu.

3. Về công tác lập pháp, nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã chú trọng thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, tạo ra những điểm đột phá cho quá trình phát triển.

Với 72 luật, hai pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong số này có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Cùng với đó, nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" là một trong bảy chuyên đề được giám sát chặt chẽ trong nhiệm kỳ QH XIV. Ảnh: VGP

4. Hoạt động giám sát tối cao được chú trọng; nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm và bao quát hầu hết trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các quyết định trong vấn đề quan trọng của đất nước đã có nhiều đổi mới, đi sâu vào những vấn đề lớn, gai góc, bất cập… và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng được đòi hỏi cũng như nguyện vọng củ cử tri và Nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó, việc giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả nổi bật, trong đó có bảy chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.

Chẳng hạn năm 2020, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Đến 27-5-2020, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã Thảo luận trực tuyến về vấn đề này.

5. Cũng trong nhiệm kỳ Quốc hội này, Hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh, thể hiện rõ vai trò là thành viên chủ động, tích cực, là đối tác tin cậy và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XIV là đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41).

Với sự tín nhiệm cao, Quốc hội Việt Nam được bầu giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành IPU (nhiệm kỳ 2016-2019), Phó Chủ tịch IPU (nhiệm kỳ 2018-2019) và giữ vai trò Chủ tịch APF Vùng châu Á - Thái Bình Dương theo cơ chế luân phiên (nhiệm kỳ 2019-2021).

Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA…, công ước, điều ước quốc tế quan trọng kịp thời được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã có bước chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”. Ảnh: TTXVN

6. Trong phương thức hoạt động, Quốc hội đã có bước chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”; cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ - thông tin đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.

Quốc hội đã hai lần xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội…

7. Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội cũng đã phê duyệt đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Công tác nhân sự được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao…

Các kiến nghị của cử tri đều được xem xét

Với cương vị là nữ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã xử lý và điều hành một khối lượng công việc khổng lồ.

Thông qua các phiên điều hành, với lượng thông tin rất nhiều, thời lượng vừa phải nhưng Chủ tịch Quốc hội đã đưa được tất cả những kiến nghị của cử tri, những yêu cầu của đại biểu để giải quyết công việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trên cả ba lĩnh vực: Xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả này góp phần quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước, được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao.

Đại biểu PHÙNG ĐỨC TIẾN, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. 

Ấn tượng đặc biệt về nữ Chủ tịch QH trong các phiên chất vấn

Theo đặc biệt ấn tượng sự điều hành của nữ Chủ tịch trong các phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều hành rất mạch lạc, rất dễ theo dõi và đã nêu ra vấn đề cũng như giải quyết vấn đề rất khoa học, linh hoạt được cử tri theo dõi và đánh giá cao.

Và cá nhân tôi thấy rằng, nữ Chủ tịch Quốc hội có một sự mềm mại, uyển chuyển không gây sự căng thăng trong phiên chất vấn nhưng kết quả vẫn đạt được như mong muốn. Điều này cũng thể hiện đặc tính của người phụ nữ Việt Nam là “lạt mềm buộc chặt”, nhiều nội dung chất vấn rất là gay gắt nhưng lại dịu xuống và đi đến kết quả cuối cùng là giải quyết được vấn đề.

Đại biểu NGUYỄN THANH HẢI, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

(Quochoi.vn)


Tròn 5 năm giữ cương vị Chủ tịch QH hai khóa XIII và XIV

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh năm 1954; Quê quán: Xã Châu Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre.

Bà là Ủy viên Trung ương Đảng từ khoá IX đến khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI và XII, đại biểu QH từ khóa XII đến khóa XIV.

Bà Kim Ngân từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các bộ, ngành và địa phương như: Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Năm 2011, bà được bầu làm Phó Chủ tịch QH. Ngày 31-3-2016, bà được bầu làm Chủ tịch QH khóa XIII và trở thành nữ Chủ tịch QH đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Đến tháng 7-2016, QH khóa XIV bầu bà làm Chủ tịch QH. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm