70% số người nghiện ở ngoài xã hội

Tướng Lâm cho hay tội phạm có tổ chức, nhất là băng ổ nhóm đâm thuê chém mướn, truy sát nhau, bảo kê xiết nợ... có dấu hiệu phức tạp trở lại. Giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân xảy ra nhiều, giết người do ảnh hưởng của trò chơi điện tử bạo lực diễn biến phức tạp. “Chống người thi hành công vụ tuy giảm hơn 16% về số lượng nhưng hành vi ngày càng manh động, như vụ đánh chết một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Long An. Các vụ việc vỡ tín dụng đen hàng trăm ngàn tỉ đồng gây phức tạp trong nhân dân” - ông Lâm nói.

Cùng đó là tình trạng kinh doanh đa cấp, lừa đảo lan rộng ở nông thôn. Buôn lậu, hàng giả... diễn ra phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không...

Ông Lâm cũng cho biết đã khởi tố 241 vụ, 493 bị can tội phạm công nghệ cao. Kết quả điều tra cho thấy hoạt động chủ yếu của tội phạm công nghệ cao là lợi dụng Internet lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép... Tình trạng tin tặc tấn công mạng máy tính của cơ quan, doanh nghiệp xuất hiện nhiều hơn.

Phân tích về nguyên nhân, người đứng đầu ngành công an cho rằng do tình hình kinh tế khó khăn, thiếu việc làm tạo áp lực lớn lên các vấn đề xã hội.

“Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội, nhất là thanh thiếu niên đáng báo động. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở như tài chính, ngân hàng, thuế, tiền tệ, đất đai. Cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt. Trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao trách nhiệm trong làm nhiệm vụ...” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một nguyên nhân quan trọng khác, theo ông Lâm, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong giáo dục trẻ em còn hạn chế. Quản lý người tâm thần, người nghiện ma túy còn bất cập; số người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều (trên 70% trong tổng số hơn 200.000 người nghiện đang sinh sống ngoài xã hội). Công tác quản lý đối tượng trong các cơ sở giáo dưỡng hiệu quả chưa cao.

Trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng “có biểu hiện lạm dụng xử lý hành chính, hành chính hóa quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm”.

Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra nhiều hạn chế khác như việc áp dụng biện pháp ngăn chặn còn hơn 900 người bị tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính (số liệu của 10 tháng năm 2016). VKS các cấp không phê chuẩn 120 trường hợp bắt khẩn cấp, hủy quyết định tạm giữ và không phê chuẩn gia hạn tạm giữ gần 550 người, không phê chuẩn lệnh tạm giam hơn 260 bị can…

Đáng chú ý, một số địa phương có biểu hiện lạm dụng bắt khẩn cấp, tạm giam, tỉ lệ bị tạm giam cao, gần 90%. Việc bắt tạm giam đối với người phạm tội đánh bạc, vi phạm các quy định về an toàn giao thông thuộc loại tội ít nghiêm trọng, chưa cần thiết phải tạm giam vẫn còn nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.