70% nạn nhân TNGT tại TP.HCM là thanh niên

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, nhóm tuổi thanh niên bị thương vong do TNGT chiếm tỉ lệ đến 70% là rất đáng lưu ý. “Người dân sống ở TP và thanh niên quen thuộc đường sá, có kiến thức về giao thông cao và phản ứng nhanh, nhạy hơn nhưng vì sao bị thương vong cao hơn?” - ông Tín đặt vấn đề.

Điều đáng quan ngại khác là số vụ TNGT xảy ra ở các quận nội thành và cả vùng ven thuộc địa bàn các đội CSGT cửa ngõ đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2013. Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, nhìn nhận các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50, tỉnh lộ 10, xa lộ Hà Nội là những điểm nóng về ùn tắc và TNGT.

“PC67 đã tăng quân, tăng tần suất tuần tra, kiểm soát ở ba cụm cửa ngõ TP. Nhưng việc xử lý vi phạm còn nhiều vướng mắc như chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013, chưa có biểu mẫu biên bản và quyết định xử phạt mới. Trong khi đó, công an nhiều quận, huyện, phường, xã, thị trấn gần như tê liệt vì thiếu kinh phí tuần tra” - Thượng tá Trà cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, để giảm ùn tắc, TNGT ở các tuyến cửa ngõ cũng như trong trung tâm TP, Sở GTVT và Công an TP cần nghiên cứu bố trí giờ xe lưu thông, ra vào hợp lý hơn. Đặc biệt, tình trạng ô tô dừng đậu tràn lan trên các tuyến cửa ngõ cần được chấm dứt. Cần hạn chế xe đi vào khu trung tâm TP, nhất là với các tuyến, ô phố lõi như Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng… Các điểm đỗ xe trên đường có thu phí cũng cần linh hoạt hơn về thời gian và mức phí.

“Không thể để tình trạng xe đậu trên đường suốt ngày với mức phí chỉ 5.000-10.000 đồng. Phải xây dựng các mức phí đậu xe theo giờ cao điểm, thấp điểm, đồng thời sử dụng hết công suất hầm để xe của các tòa cao ốc đang còn dư chỗ” - ông Tín chỉ đạo.

L.ĐỨC - H.TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm