66% doanh nghiệp phải “móc hầu bao” chi ngoài luồng

Đây là một trong những nhận xét đáng chú ý trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sáng nay, 14-3.

Được gọi là “chi phí không chính thức”, tình trạng doanh nghiệp phải “lót tay” đứng hàng thứ hai trong sáu xu hướng đáng quan ngại mà báo cáo PCI chỉ ra.

Nhận định rằng: Một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng, báo cáo PCI cho hay: Chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện. “Trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức. Nhiều doanh nghiệp tham gia điều tra từ cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6%-8% giai đoạn năm năm trước đó” - báo cáo PCI nói.

Ngoài chi phí không chính thức, báo cáo PCI cũng đề cập đến tính minh bạch, Chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý.

66% doanh nghiệp phải “móc hầu bao” chi ngoài luồng ảnh 1
Lần thứ tư liên tiếp, Đà Nẵng đăng quang ngôi vương PCI

Báo cáo PCI 2016 cũng dành một phần riêng để khảo sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đáng chú ý là phần “trải nghiệm tham nhũng”. Kết quả khảo sát cho thấy: Tình trạng tham nhũng vẫn còn tương đối phổ biến ở một số lĩnh vực.

88% doanh nghiệp FDI cho biết họ ít nhiều đều gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước, cho thấy “văn hóa chi trả hoa hồng” có thể cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn.

45% doanh nghiệp FDI đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016. Trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 8% doanh nghiệp cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Tỉ lệ này nhỏ hơn năm lần so với tỉ lệ doanh nghiệp chủ động đưa biếu (44%). Cho tới nay, nội dung có tỉ lệ trả lời cao nhất là các doanh nghiệp tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn” và chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi (59%).

Mục đích lớn nhất khi đưa hối lộ, với tỉ lệ gần 80% doanh nghiệp trả lời, là nhằm tạo lập mối quan hệ. Doanh nghiệp chọn phương án này coi khoản chi này như một hợp đồng bảo hiểm, theo đó một món quà nhỏ hôm nay có thể giúp họ giải quyết những vụ việc nảy sinh trong tương lai.

Sự phổ biến của hoạt động này chỉ ra mức độ nghiêm trọng của tham nhũng ở Việt Nam, minh họa mức độ khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng. Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải trao đổi với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm