5 triệu liều vaccine Moderna: Làm sao có lợi nhất cho người dân?

LTS: Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức hôm 11-8 vừa ký văn bản khẩn trả lời Bộ Y tế về việc mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 của TP.HCM liên quan đến lô 5 triệu liều vaccine Moderna. Để bảo đảm việc tiếp cận vaccine và tăng khả năng huy động nguồn lực của xã hội, TP kiến nghị Bộ Y tế cần có chủ trương chính thức cho phép Công ty VinaCapital thực hiện họp tác công - tư, tổ chức thu phí tiêm vaccine theo cơ chế “mua 5 liều vaccine sẽ tặng xã hội 1 liều”. Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận ý kiến đóng góp khác nhau từ các chuyên gia về vấn đề này nhằm tiềm kiếm giải pháp tối ưu nhất cho nguồn cung vaccine trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát.

Trước đề xuất của TP.HCM về việc cho phép Công ty VinaCapital tổ chức thu phí tiêm vaccine theo cơ chế “mua 5 liều vaccine sẽ tặng xã hội 1 liều”, TS Lương Hoài Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ; trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du cho rằng chưa nên triển khai tiêm vaccine dịch vụ trong bối cảnh hiện nay.

Chỉ tiêm dịch vụ khi cung cầu cân bằng tự nhiên

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định ở thời điểm hiện nay, khi nhu cầu vượt xa nguồn cung và vaccine lại liên quan đến sinh mạng người dân, việc cho phép tiêm dịch vụ (tức người tiêm trả tiền vaccine và dịch vụ tiêm vaccine) sẽ dẫn đến những hệ lụy trong xã hội.

“Cần nói rõ là tôi không phải phản đối việc tiêm vaccine có thu tiền. Thực tế có nhiều loại vaccine khác lâu nay đã làm như vậy. Tôi rất ủng hộ kinh tế thị trường, bao gồm nhiều dịch vụ y tế. Sự tham gia của khu vực y tế tư nhân đã góp phần cải thiện hệ thống y tế Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp vaccine ngừa covid-19 hiện nay thì hoàn toàn khác. Việc tiêm dịch vụ lúc này có thể gây ra các vấn đề về đạo đức và sự công bằng với dư luận xã hội, e là không hay” – Ông Du nói.

Hiện nay, nguồn cung vaccine rất giới hạn và chỉ qua đầu mối Chính phủ. Trái lại, nhu cầu là rất lớn và cấp bách. Tình hình ca nhiễm và tử vong tăng mạnh những ngày qua cho thấy “cơn khát” vaccine ở TP đang dữ dội hơn bao giờ hết. Cho nên, phải tập trung vào nhóm có nguy cơ cao để giảm thiểu lây nhiễm và tử vong, giải nhiệt cho hệ thống y tế. Việc này là cấp bách, là vấn đề nhân đạo và công bằng xã hội. Chính quyền phải làm cho dù những người trong nhóm nguy cơ cao có tiền hay không (hoặc thậm chí họ có sẵn sàng chi trả hay không).

Có ý kiến cho rằng thời điểm hiện tại chưa phù hợp để tiến hành tiêm vaccine dịch vụ, tức người được tiêm phải trả tiền. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Ngoài ra, Chính phủ đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng “Không thu bất kỳ chi phí nào liên quan tiêm vaccine Covid-19” vào ngày 9-8 vừa qua. Trước đó (6-8), Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã có Nghị quyết số 268 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Như vậy, quan điểm từ Quốc hội lẫn Chính phủ là rất mạch lạc: Tất cả hệ thống y tế, bất kể nhà nước hay tư nhân, đều được huy động cho việc chống COVID-19 và chi phí sẽ lấy từ ngân sách.

Mặt khác, tính đến hết ngày 11-8, tổng số tiền mà Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 đã nhận được từ người dân, doanh nghiệp… là hơn 8.400 tỷ đồng. Đây là tiền nhân dân đóng góp, cho nên trong tình thế khẩn cấp thì Chính phủ phải dùng số tiền này để mua vaccine để chống dịch theo đúng ý nghĩa của lời kêu gọi góp quỹ vaccine. Nếu lúc này tiêm vaccine thu tiền thì dễ gây ra bức xúc cho người dân, làm mất đi niềm tin vào các thông điệp rất nhân văn và kịp thời mà Chính Phủ và Quốc hội đã cam kết trước đây.

“Vì vậy, tôi cho rằng chỉ tiêm vaccine dịch vụ khi nguồn cung dồi dào hơn, chí ít là người dân phải có hai chọn lựa: Tiêm miễn phí từ nhà nước hoặc tiêm dịch vụ từ tư nhân với điều kiện là hai loại vaccine có chất lượng trong mắt công chúng tương đương nhau. Nếu mở tiêm dịch vụ lúc này có khả năng sẽ có vấn đề rất lớn. Theo tôi được biết thì vaccine phòng COVID-19 hiện tại mới là phê duyệt khẩn cấp bán cho các chính phủ mà chưa có qua các kênh thương mại. Do vậy về nguyên tắc chính phủ phải đứng ra mua (cho dù có là danh nghĩa). Nếu đúng như vậy rồi đưa cho doanh nghiệp tổ chức tiêm và thu tiền trong bối cảnh hiện tại sẽ rất không hay. Nếu doanh nghiệp có thể tìm được đầu mối mua được thì hỗ trợ và ngân sách nên bỏ tiền ra để mua rồi nhập vào quỹ vaccine chung. Nếu không khéo sẽ xảy ra khủng hoảng truyền thông làm xói mòn lòng tin của người dân rất không nên. Tôi biết là sức ép ngân sách và những vấn đề khác là rất lớn đối với Chính quyền lúc này. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng trong bối cảnh tâm lý của người dân đang rất căng thẳng. Hình ảnh nơi khác thì được tiêm miễn phí, TPHCM - nơi được xem là giàu nhất thì người dân phải trả tiền (sẽ nảy sinh suy nghĩ do chính quyền lo không nổi); hoặc bên trả tiền thì được vaccine tốt, bên kia là vaccine không ưa thích rất không hay. Thành phố đang gặp khó với lô vaccine 5 triệu liều mà doanh nghiệp tìm về được rồi, không nên để rủi ro tạo ra một cái khó khác với 5 triệu liều mới.” – Ông Du nêu ý kiến.

Về vấn đề huy động nguồn vaccine tư nhân cùng chống dịch

Khác với quan điểm trên, TS Lương Hoài Nam cho rằng cần tận dụng tất cả mọi cơ hội để có được về vaccine, ngay cả các nguồn từ cơ sở y tế tư nhân.

“Đối với TP HCM, vaccine bây giờ quý hơn vàng. Mỗi liều vaccine đều quý, đều có thể cứu sống một mạng người nếu người đó được tiêm kịp thời trước khi chẳng may tiếp xúc với virus. Tôi cho rằng, đối với TP HCM lô vaccine nào về sớm hơn là lô tốt hơn, không quan trọng là loại nào. Chúng ta đang chạy đua với thời gian để cứu người, thời gian nhận được vaccine quan trọng hơn loại vaccine, miễn đó là vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt.” – ông Nam nhận định.

Theo ông Nam, có năm nguồn vaccine tuyệt đối không được sử dụng để tiêm dịch vụ thu tiền: (1) Vaccine được mua bằng tiền ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương); (2) Vaccine được mua bằng tiền của Quỹ Vaccine do các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đóng góp; (3) Vaccine từ nguồn viện trợ của chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới; (4) Vaccine do chính phủ các nước tặng, viện trợ; (4) Vaccine do các doanh nghiệp tài trợ tiền mua vô điều kiện (ví dụ 05 triệu liều vaccine Sinopharm do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ tiền mua để tặng TP HCM). Trong năm nguồn vaccine này, lấy ra dù chỉ một liều để tiêm dịch vụ thu tiền cũng không được.

Quan điểm khác cho rằng cần tạo điều kiện để y tế tư nhân tham gia tiêm vaccine có thu phí cho người tự nguyện và có nhu cầu, qua đó giảm áp lực cho nhà nước. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp hay quỹ đầu tư nào đó ở nước ta, ví dụ VinaCapital, có thể tìm được nguồn vaccine để mua nhanh mấy triệu liều hoặc thậm chí mấy chục triệu liều với thời gian giao hàng sớm hơn, thì không có lý do gì mà nhà nước lại không tạo điều kiện cho họ mua và nhập về để tiêm dịch vụ. Rất nhiều doanh nghiệp và người dân sẵn sàng chi tiền để được tiêm loại vaccine họ muốn càng sớm càng tốt. Càng nhiều vaccine dịch vụ, càng giảm gánh nặng chi phí mua vaccine và tổ chức tiêm vaccine cho nhà nước, để nhà nước có điều kiện làm tốt hơn, nhanh hơn chương trình vaccine miễn phí cho số đông, trong đó có nhiều người nghèo.

“Tôi biết một số người đi ra nước ngoài để tiêm vaccine, có hẳn các “tour du lịch vaccine” được một số nước công khai quảng bá. Tại sao chúng ta không có vaccine dịch vụ ngay ở trong nước để những người đó khỏi phải đi đâu xa?” – ông Nam đặt vấn đề. TS Lương Hoài Nam cũng cho rằng vaccine dịch vụ không mâu thuẫn với cam kết của Chính phủ tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân bằng tiền ngân sách nhà nước và đóng góp của xã hội vào Quỹ Vaccine.

“Chính phủ vẫn giữ cam kết đó, không có gì thay đổi, được Thủ tướng tái khẳng định trong một cuộc họp gần đây. Tuy nhiên, nếu chúng ta có điều kiện tự lo được cho bản thân mình và gia đình bằng vaccine dịch vụ và chúng ta tự nguyện làm việc đó thì chương trình vaccine của Việt Nam càng thành công sớm hơn. Kể cả nếu vaccine dịch vụ nhiều đến mức Chính phủ không cần dùng hết hơn 8.000 tỷ của Quỹ Vaccine thì không thiếu gì các chương trình hỗ trợ người nghèo trong đại dịch này để điều chỉnh mục đích sử dụng tiền.” – Ông Nam nói.

Về lo ngại vaccine dịch vụ gây thiếu công bằng trong xã hội, ông Nam cho rằng: “Càng nhiều người tự nguyện tiêm vaccine dịch vụ thì những người khác càng sớm đến lượt tiêm, vì không ai được lấy bất kỳ một liều vaccine của chương trình vaccine miễn phí sang tiêm dịch vụ, mà phải dùng các nguồn vaccine khác. Chính phủ cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi lấy vaccine miễn phí của nhà nước đem đi tiêm dịch vụ thu tiền dù chỉ một liều”.

Đang trong giai đoạn thương thảo

Theo Sở Y tế TPP.HCM, hiện nay, Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco vẫn đang trong giai đoạn thương thảo để ký hợp đồng chính thức. Nếu thành công, lịch giao số vaccine này dự kiến có thể diễn ra vào quý 4-2021 hoặc quý 1-2022.

Không có chuyện "mua Sinopharm nên không mua Moderna"

Có một số ý kiến từ dư luận cho rằng vì mua 5 triệu liều vaccine Velo Cell của Sinopharm (Trung Quốc) nên TP.HCM không mua 5 triệu liều vaccine của Moderna nữa. Trao đổi với PLO, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định quan điểm này không đúng sự thật, hoàn toàn sai. Bởi vì, việc xúc tiến mua vaccine của Moderna cách đây đã 6 tháng, còn việc mua vaccine của Sinopharm mới gần đây. Do cách làm việc giữa TP.HCM với phía Trung Quốc rất nhanh, nên kết quả đến sớm hơn.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, hai loại vaccine này kinh phí không lấy từ ngân sách Nhà nước, cho nên ở đây không hề có sự ưu tiên nào cả. Bây giờ nếu tiếp cận được nguồn vaccine nào thì phải nhanh chóng tiếp cận vaccine đó để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh nhất. Ngay cả vaccine của Trung Quốc thì cũng đã sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, bản thân Trung Quốc cũng đã chích được hơn 1 tỉ liều. TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm