5 lưu ý về bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026

Sáng 25-2, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND nhiệm kỳ 2021-2026.

ĐBQH chuyên trách phải nằm trong quy hoạch

Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương Đặng Cao Đức cho hay Hướng dẫn số 36 ngày 20-1-2021 của Ban Tổ chức Trung ương (Hướng dẫn 36) về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều điểm mới. 

Ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn 36 còn quy định mới, bổ sung chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách. Theo đó, người được giới thiệu để bầu ĐBQH chuyên trách phải có quy hoạch ĐBQH chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên.

Nếu là cán bộ quân đội, công an, phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ đại tá trở lên.

Ở địa phương, người ứng cử phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên…

Cũng theo ông Đặng Cao Đức, đối với ứng viên là người ngoài Đảng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét báo cáo ban thường vụ cấp ủy có thẩm quyền (nơi nhân sự cư trú, làm việc hoặc ứng cử) kết luận về tiêu chuẩn chính trị.

Ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật MTTQ Việt Nam, đang trao đổi ý kiến với các địa phương về công tác bầu cử. Ảnh: ĐỨC MINH

Đảng viên tự ứng cử phải báo cáo đảng bộ

Trao đổi tại hội nghị, đại diện tỉnh Thái Bình hỏi trường hợp tự ứng cử có cần văn bản xác nhận của cơ quan, đơn vị hay không. Trả lời, đại diện Văn phòng QH cho hay theo Hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị nhà nước được giới thiệu ra ứng cử ngoài thực hiện các quy định của luật còn thực hiện theo các hướng dẫn của Đảng về công tác cán bộ.

Đảng viên tự ứng cử, trong hồ sơ phải có ý kiến đồng ý của cấp ủy và cơ quan quản lý cán bộ. “Việc xác nhận lý lịch ở trong hồ sơ ứng cử chỉ là xác nhận nội dung kê khai trong lý lịch của người ứng cử, không phải là văn bản đồng ý cho cá nhân đó được tự ứng cử” - đại diện Văn phòng QH cho hay.

Theo Hướng dẫn 36, đảng viên tự ứng cử ĐBQH, tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý.

Cụ thể, đối với đảng viên không giữ chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, nếu tự ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì phải báo cáo và phải được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.

Đối với đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, nếu tự ứng cử thì phải báo cáo và phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.

Không để lọt những người “chạy chức” ngay từ khâu ứng cử

Hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

“Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người “chạy chức, chạy quyền” tham gia QH” - Hướng dẫn 36 yêu cầu. 

Sớm có hướng dẫn về bầu cử ở vùng có dịch

Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích cho hay địa phương này đang là tâm dịch của cả nước, phải thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh nên việc tổ chức các hội nghị cử tri đang gặp nhiều khó khăn. Bà đề nghị cần có văn bản hướng dẫn sớm để các vùng dịch, đặc biệt là Hải Dương, có căn cứ để thực hiện.

Tương tự, đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Nội vụ tập hợp thêm một số tình huống đặc biệt có thể phát sinh trong thực tiễn, để từ đó thống nhất trong triển khai thực hiện.

“Trường hợp các ứng viên sát ngày tổ chức các hội nghị cử tri lại phát hiện là F0, F1, phải thực hiện cách ly tập trung thì xử lý thế nào. Các địa phương bị phong tỏa, cách ly thì tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri thế nào...” - đại diện tỉnh Quảng Ninh nêu câu hỏi.

Giải đáp sau đó, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật MTTQ Việt Nam Phan Văn Vượng cho hay MTTQ đã có dự thảo gửi Ủy ban Thường vụ QH để thống nhất việc này, văn bản chính thức sẽ được ban hành trong 1-2 ngày tới.

“Người được giới thiệu ứng cử đến giai đoạn niêm yết danh sách để bầu mà rơi vào trường hợp F0, F1 thì không vấn đề gì. Giai đoạn vận động bầu cử thì có nhiều hình thức vận động. Nếu không đến trực tiếp được, ứng viên có thể gửi tài liệu vận động qua các kênh thông tin đại chúng để vận động” - ông Vượng cho biết.

Tuy nhiên, ông Vượng cũng lưu ý một số tình huống có thể phát sinh trong bối cảnh có dịch. Chẳng hạn, việc lập danh sách cử tri đối với người ở nước ngoài về và phải cách ly, những người ở vùng có dịch phải cách ly tập trung.

Theo quy định, người ở nước ngoài về trước 24 tiếng thì cầm hộ chiếu đến UBND xã nơi lập danh sách cử tri để trình báo và ghi tên vào danh sách cử tri. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ người cách ly rồi thì không thể đến xã được. Do vậy, ông Vượng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn theo hướng trách nhiệm của các đơn vị phải đến nơi cách ly để bảo đảm thực hiện quyền của công dân lúc lập danh sách cử tri…

Ông Vượng cũng lưu ý tổ bầu cử cần tổ chức cho cử tri đang nằm trong khu vực cách ly thực hiện quyền bầu cử, phải có hòm phiếu lưu động (hòm phiếu phụ) mang đến và phải áp dụng biện pháp phòng dịch, phun khử trùng hòm phiếu… Những việc này đều phải có hướng dẫn để các địa phương thực hiện thống nhất.

18-20 tỉnh đề nghị giảm số lượng đại biểu trung ương gửi về

Ông Phan Văn Vượng cho biết đến ngày 17-2, cả trung ương và 63 địa phương trên cả nước đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, giới thiệu 1.076 người ứng cử ĐBQH để bầu 500 người (đạt tỉ lệ 2,15 lần).

Một số tỉnh lựa chọn số giới thiệu thấp hơn quy định là 12 người. Cụ thể: Tây Ninh, Trà Vinh, Điện Biên, Bình Phước giới thiệu 11 người; Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Đà Nẵng, Quảng Bình giới thiệu 10 người; Hà Giang giới thiệu chín người.

Đến nay, 18-20 tỉnh đề nghị xem xét tăng số lượng đại biểu địa phương, giảm số lượng trung ương gửi về và năm tỉnh dự kiến có hồ sơ tự ứng cử. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm