40 năm TP.HCM: Thành phố của nhạy bén, sáng tạo

Ngày 2-7-1976, Quốc hội Việt Nam khóa VI, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định thành TP Hồ Chí Minh. Suốt chiều dài 40 năm mạnh dạn thay đổi tư duy, có những chính sách đổi mới nhân văn và hiện đại, TP.HCM đã trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, nghĩa tình.

Tại hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - tầm nhìn thời đại” tổ chức gần đây, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung nhìn nhận lịch sử có những sự trùng hợp thú vị. Từ TP này, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước và TP.HCM cũng là nơi khởi phát mạnh mẽ những tìm tòi cho con đường đổi mới của Đảng, dấu ấn được ghi đậm nét khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng bắt đầu chủ trương đổi mới mà thực tiễn bắt nguồn từ TP.HCM.

Tư duy tự chủ, sáng tạo

Bà Dung cho biết sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân TP đã nỗ lực phấn đấu, dốc toàn lực để vượt qua khó khăn, thử thách khắc nghiệt như chính sách cấm vận, bao vây kinh tế của các thế lực thù địch, thiên tai xảy ra dồn dập, chiến tranh biên giới Tây Nam, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn ra phức tạp…

Trước bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân TP đã kiên trì tìm tòi, thử nghiệm với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.Với tinh thần này, TP.HCM đã phát kiến ra những mô hình mới, biện pháp mới, cách làm mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, xóa dần cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, tiến hành cải cách mạnh mẽ về kinh tế trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng.

Thực tế cho thấy bằng tư duy tự chủ, sáng tạo trong công tác lãnh đạo điều hành, TP đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả. Cụ thể như TP đã ban hành các quy định tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý; hình thành nền sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia; đề xuất trung ương cho phép xây dựng các khu chế xuất- khu công nghiệp tập trung. Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên trong cả nước được thành lập năm 1991; Công ty Cổ phẩn Cơ điện lạnh REE là doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên tại Việt Nam năm 1993…

“Thực tiễn TP đã góp phần để Trung ương nghiên cứu hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là hai vấn đề lớn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - bà Võ Thị Dung nhận định.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ hai từ phải qua) đến thăm xí nghiệp Công ty Hợp danh Cao su Phạm Hiệp (thuộc Sở GTVT TP.HCM), cơ sở thí điểm thực hiện Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị  về quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, ngày 6-2-1987. Ảnh: Tư liệu

Thay da đổi thịt từ góp sức của nhân dân

Tham luận của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, bày tỏ: Sự đi lên của TP luôn có dấu ấn đậm nét từ những đóng góp to lớn của người dân ngay cả ở những giai đoạn khó khăn nhất. Bà Thảo nhấn mạnh: “TP “thay da đổi thịt”, công lớn của người dân”.

Người dân TP đã đồng lòng cùng chính quyền hiến đất làm đường, xây trường học, giao đất để thành phố phát triển các công trình huyết mạch, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Các công trình hạ tầng hiện đại như đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, các khu đô thị mới, công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… đã tạo nên diện mạo hiện đại cho TP.

Công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã góp phần rất lớn cải thiện môi trường sống, cảnh quan đô thị cho TP.HCM. Ảnh: HTD

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, hạ tầng, theo TS Lê Thị Thanh Tâm - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP đã phát huy truyền thống nghĩa tình rất nhân văn của người Sài Gòn - TP.HCM. Những năm tháng khó khăn, TP phát động phong trào “lá lành đùm lá rách”, tiếp đến là “Xóa đói giảm nghèo” nhằm chăm lo cho dân nghèo. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc gia đình có công với cách mạng, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hay như chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo và những hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa… Tất cả đã mang lại những kết quả thiết thực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa đến từng cộng đồng dân cư.

Trải qua bốn thập niên phát triển, bên cạnh những thành tựu, TP.HCM vẫn còn những hạn chế. Đảng bộ và nhân dân TP đã và đang tập trung sức lực, trí tuệ, phấn đầu xây dựng TP.HCM văn minh hiện đại, đóng góp ngày càng nhiều cho khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng là thành phố mang tên Bác.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải:

Vinh dự mang tên thành phố Hồ Chí Minh

40 năm TP.HCM: Thành phố của nhạy bén, sáng tạo ảnh 3

Chính nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đề nghị và tự xem mình được vinh dự mang tên “TP Hồ Chí Minh” từ ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công; các đại biểu Quốc hội khóa I từ Nam Bộ đã kiến nghị tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội về nguyện vọng thiết tha này...

40 năm qua, trong đó có 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM hết sức tự hào khi được chính thức mang tên Hồ Chí Minh. Luôn thấm nhuần quan điểm tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, chăm lo cho cơ sở, phát huy sức dân để chăm lo cho dân, thực hiện tốt an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân theo lời Bác dạy: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng:

Xây dựng TP phát triển nhanh, bền vững, an toàn

40 năm TP.HCM: Thành phố của nhạy bén, sáng tạo ảnh 4

Chúng ta phải nhanh chóng biến TP.HCM trở thành nơi người dân bình yên khi ở nhà và ra đường. TP mà chúng ta muốn xây dựng phải là một TP hòa bình, không có bạo lực, ngày càng vắng bóng các tệ nạn xã hội. Một TP mà bất cứ ai đặt chân đến để trực tiếp trải nghiệm những giá trị sống mà họ mong muốn.

Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP mang tên Bác không có chỗ cho cán bộ dựa vào quyền lực để trục lợi. TP mang tên Bác sẽ chỉ phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa khi chúng ta có đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, những cán bộ luôn cầu thị, biết học hỏi không ngừng. Đó phải là những cán bộ biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân, đặt vị trí của người dân để thấu hiểu, dấn thân vì công việc để tận tụy vì dân mà phục vụ.

Chúng ta sẽ phải cùng nhau tìm ra phương hướng, cách làm để vượt qua những tồn tại đó trong những năm tới đây. Giấc mơ về một TP phát triển nhanh, bền vững, an toàn, mọi người đều tìm thấy cơ hội kiếm sống để từ đó trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực luôn là khát khao có thật và chính đáng của nhân dân TP.HCM. Chúng ta sẽ phải khơi dậy lòng yêu nước từ chính khát vọng ấy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang:

Mỗi chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của dân

40 năm TP.HCM: Thành phố của nhạy bén, sáng tạo ảnh 5

40 năm TP vinh dự được mang tên Bác cũng là hành trình 40 năm TP luôn bám sát thực tiễn, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng, bảo vệ và phát triển xứng với tầm nhìn thời đại Hồ Chí Minh...

Mỗi chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của dân, sao cho thuận lòng dân và thực hiện đến nơi đến chốn nhằm phát huy mọi tài năng, sáng tạo và sự đóng góp của nhân dân cho sự phát triển của TP và đất nước. Cán bộ, đảng viên phải thật sự gần dân, sâu sát với nhân dân, chân thành lắng nghe nhân dân nói, học hỏi từ dân, tận tụy phục vụ dân và chịu sự giám sát của dân… như thế mới được dân tin, dân yêu.

Tá Lâm ghi tại hội thảo  “Hồ Chí Minh - tầm nhìn thời đại”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm