4 gia đình tặng hiện vật quý cho Bảo tàng mặt trận tổ quốc VN

Sáng 20-12, Ủy ban MTTQ TP.HCM phối hợp Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20—12-1960 – 20-12-2020).

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tham dự buổi họp mặt, trao đổi với các đại biểu tham dự buổi họp mặt. Ảnh: NGUYỄN THI

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trung ương và thành phố, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ và thành viên mặt trận qua các thời kỳ tham dự.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Tô Thị Bích Châu ôn lại quá trình thành lập, hoạt động gian khổ nhưng rất vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: NGUYỄN THI

Bà cũng gửi lời tri ân sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ, gia đình chiến sĩ từng tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Bà Tô Thị Bích Châu nhận định, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử, là kết quả của sự sáng tạo trong chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng miền Nam.

Dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phong trào đấu tranh của các giới đồng bào miền Nam từ công nhân, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên, nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo... ngày càng diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, có những đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Bà cũng khẳng định, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh luôn trân trọng những đóng góp hết sức to lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và các lực lượng yêu nước khác.

“Chúng ta càng thấm thía bài học lớn nhất từ sự kiện lịch sử này là bài học phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà nói.

Trong những năm qua, nhất là sau thời kỳ đổi mới, nhân dân TP.HCM dưới ngọn cờ đoàn kết, tập hợp của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã hình thành nên những phong trào rộng lớn của quần chúng, không chỉ lan tỏa sâu rộng trên địa bàn TP.HCM mà còn trở thành những phong trào chung của nhân dân cả nước.

Đó là phong trào “xóa đói giảm nghèo”, cuộc vận động xây nhà tình nghĩa, các hoạt động an sinh xã hội, đến nay đã trở thành một phong trào rộng lớn đó là các hoạt động “Vì người nghèo”. Tiếp sau đó là hoạt động “Nhà tình nghĩa”, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì Biển đảo quê hương- Vì tuyến đầu Tổ quốc” … đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp TP.

Đặc biệt, năm 2020 với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tục đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân, Ủy ban MTTQ TP đã ra sức kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện nhiều hoạt động nghĩa tình giúp đỡ đồng bào các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM sẽ tiếp tục cùng Đảng bộ, Chính quyền TP thực hiện mục tiêu “xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Tại buổi họp mặt, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã đón nhận những hiện vật quý báu từ các gia đình chứng nhân lịch sử. Có bốn gia đình đã gửi tặng hiện vật được gia đình đang lưu giữ, là một phần kỷ niệm, cũng là ký ức của một thời hoạt động cách mạng sôi nổi.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, gia đình hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN THI. 

Gia đình cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tặng hiện vật “Cặp đựng hồ sơ mỗi chuyến công tác của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam”. Đây là chiếc cặp được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sử dụng từ năm 1989.

Gia đình cụ Phan Nhẫn, thành viên phái đoàn đàm phán Hiệp định Paris, Phó văn phòng Mặt trận- Dân vận từ giai đoạn 1976- 1982 hiến tặng hơn 100 hiện vật.

Hiện vật thứ ba là chiếc rựa do ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên cán bộ Cơ quan trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phục vụ công tác hậu cần trong chiến khu cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và luật sư Nguyễn Hữu Thọ hiến tặng.

Cuối cùng là cụm 4 bài báo do gia đình cố Giáo sư Lý Chánh Trung hiến tặng.  Đây là những bài báo ghi lại cuộc đấu tranh của phong trào “Ký giả đi ăn mày” do giới báo chí Sài Gòn thực hiện để xuống đường cùng đồng bào sôi sục đấu tranh chống Thiệu độc tài và tham nhũng; ghi lại cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam trên chiến trường đầy khốc liệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm