Chất vấn tại Quốc hội:

30 ngàn tỉ ‘đắp chiếu’: Xét cả trách nhiệm hình sự

Là người đầu tiên ngồi trên ghế nóng của phiên chất vấn ngày 15-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận đến 35 câu hỏi chất vấn của các đại biểu (ĐB). Nhiệt độ trong nghị trường nhanh chóng nóng lên khi hàng loạt ĐB Quốc hội (QH) chất vấn, yêu cầu làm rõ trách nhiệm Bộ Công Thương trong việc để hàng loạt siêu dự án hàng ngàn tỉ “đắp chiếu” (dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất, bột giấy Dung Quất).

“Tiền thuế của dân sao buông lỏng thế?”

Là người mở đầu chất vấn, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn những sai phạm tại năm siêu dự án, đâu là trách nhiệm của cơ quan quản trị tại doanh nghiệp (DN), đâu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đầu tư tại DN.

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói năm dự án này đều được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện hoạt động đầu tư từ những năm 2003-2008 và kéo dài cho đến nay. Bộ trưởng sau đó cũng thẳng thắn thừa nhận đến nay hiệu quả kinh tế của những dự án này không còn, giả sử đưa vào triển khai thực hiện thì cũng không đủ điều kiện để cạnh tranh, thậm chí một số dự án doanh thu không đủ bù cho chi phí... “Dự án đạm Ninh Bình không những kéo dài trong quá trình đầu tư mà đến nay không quyết toán được đầu tư, dù nhà máy đã đi vào vận hành” - ông Tuấn Anh dẫn chứng và cho rằng không loại trừ có sự cố tình làm sai, không đúng quy định trong quản trị DN, quản trị của các dự án. Điều đó sẽ được làm rõ trong thời gian tới.

Về trách nhiệm, người đứng đầu ngành công thương cũng khẳng định: “Trách nhiệm (nếu có), đặc biệt đối với vi phạm pháp luật và có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự”.

Chưa hài lòng với câu trả lời nhận được, ĐB Nguyễn Tiến Sinh bấm nút chất vấn lần hai: “Bộ trưởng vẫn chưa đi thẳng vào nội dung cử tri mong muốn nhất, đó là trách nhiệm của quản lý nhà nước trong việc đầu tư gây ra tình trạng thua lỗ tại các DN. Trách nhiệm quản trị DN ở đó như thế nào? Theo như Bộ trưởng báo cáo, khi đầu tư dự án tại các tổng công ty 90, 91, cơ quan quản lý nhà nước chủ trương đầu tư, còn lại triển khai thủ tục đầu tư và quản lý đầu tư do các chủ đầu tư thực hiện. Điều này tôi thấy hoàn toàn không ổn. DN nhà nước là DN sử dụng vốn, tài sản nhà nước, tiền thuế của dân mà khoán trắng, buông lỏng như vậy sao được?...”.

Đáp lại, người đứng đầu ngành công thương cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, không chỉ Bộ Công Thương mà Thanh tra Chính phủ, kiểm toán và hàng loạt cơ quan khác có liên quan đều tham gia đánh giá tổng thể toàn diện dự án này. Hiện một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số dự án còn đang được tiếp tục thanh tra. “Về trách nhiệm, nguyên nhân và những biện pháp như thế nào, tôi sẽ tiếp tục báo cáo cụ thể về những dự án này khi đã hoàn tất những công tác điều tra, đánh giá và xử lý dứt điểm” - ông Tuấn Anh nói.

Phải làm rõ trách nhiệm Bộ Công Thương

Chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng Công Thương về phần trách nhiệm của Bộ và những người liên quan trong khi để hàng chục ngàn tỉ đồng “đắp chiếu”, nhiều ĐB tiếp tục chất vấn. ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) bức xúc: “Những dự án của tư nhân, nếu đầu tư thất thoát thì những người có liên quan khuynh gia bại sản, thậm chí có thể đi tù. Nhưng những dự án công, từ nãy tới giờ nghe Bộ trưởng giải trình, tôi chưa thấy trách nhiệm thuộc về ai”.

Theo ĐB Cường, những dự án đầu tư càng lớn, DN xếp hạng cao trong thua lỗ thì những người liên quan quản lý vẫn được hưởng mức lương theo thang bậc lương của các DN xếp hạng... “Hiện có dư luận nói tình trạng DN thua lỗ làm xuất hiện những nhóm người ăn theo tại các DN đó, gọi là những đàn kền kền ăn xác chết” - ĐB Cường nói và cho rằng nếu vẫn không chỉ ra được trách nhiệm thì tương lai lại vẫn còn tình trạng như ĐB Dương Trung Quốc nói: “Những người tham gia vào quá trình đệ trình thì nhảy múa ăn mừng khi dự án được phê duyệt và khi dự án không hoàn thành, khi dự án thua lỗ, đàn kền kền tiếp tục béo thêm”.

“Bộ trưởng hãy chỉ trả lời có quy trách nhiệm được cho các bộ phận tham gia hay không?” - ông Cường chốt lại.

Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi này của các ĐB chưa được Bộ trưởng Công Thương làm rõ do... hết giờ.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chủ động rà soát và báo cáo cụ thể những công trình, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả, để xảy ra thất thoát. Phải làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, tổ chức có liên quan trong quá trình đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và quản lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đồng thời có giải pháp khẩn trương, quyết liệt, cụ thể để khắc phục từng dự án, tránh tiếp tục thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch QH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN:

Chưa làm rõ trách nhiệm

30 ngàn tỉ ‘đắp chiếu’: Xét cả trách nhiệm hình sự ảnh 2

Bộ trưởng tuy mới nhận nhiệm vụ và lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã thể hiện nắm chắc tình hình, nắm chắc thực trạng, nhất là những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực ngành công thương quản lý. Bộ trưởng đã thẳng thắn trả lời lưu loát, trôi chảy, làm rõ các vấn đề ĐB nêu... Tuy nhiên, việc trả lời của Bộ trưởng ở một số nội dung còn dài, cũng chưa làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục nên có sự tranh luận trở lại và một số ĐB cũng cảm thấy chưa thỏa đáng.

ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai):

Có bản lĩnh khi nói về dự án thép Cà Ná

30 ngàn tỉ ‘đắp chiếu’: Xét cả trách nhiệm hình sự ảnh 3

Tôi đánh giá Bộ trưởng có bản lĩnh, nhất là khi trả lời về dự án thép Cà Ná. Dĩ nhiên, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về quan điểm của mình đối với dự án đó.

Đây là lần chất vấn đầu tiên của QH khóa XIV và dù 2/3 ĐBQH là mới nhưng rất mừng là không khí chất vấn đã rất sôi nổi. Câu hỏi của các ĐB đã đề cập đến tất cả nhu cầu của người dân, từ việc xả lũ thủy điện đến các dự án khác.

ĐB TRẦN THỊ DUNG (Điện Biên):

Chưa hài lòng phần trả lời về quy trình xả lũ

30 ngàn tỉ ‘đắp chiếu’: Xét cả trách nhiệm hình sự ảnh 4

Tôi chưa hài lòng câu trả lời của Bộ trưởng đối với phần chất vấn trách nhiệm của mình trong quy trình xả lũ. Chúng ta nói đến quá nhiều về quy trình, tuy nhiên vấn đề là trách nhiệm trong vận hành quy trình thế nào, chưa bao giờ tính mạng người dân mong manh trước thiên tai và nhân tai như vừa qua.

Đây là vấn đề tôi đã theo đuổi chất vấn từ QH khóa XIII đến nay và câu trả lời vẫn chưa làm tôi hài lòng. Trách nhiệm ở đây không chỉ riêng Bộ trưởng mà cả hệ thống những người đang trực tiếp vận hành quy trình này phải thấy được trách nhiệm của mình trước người dân.

Tôi sẽ tiếp tục chất vấn nếu không đạt được kết quả như mong muốn, bởi đó không phải là mong muốn của ĐB mà là mong muốn của cử tri.

Đ.MINH - N.GIANG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm